Tăng cường quản lý gây nuôi động vật hoang dã

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong năm 2024, lượng động vật gây nuôi tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh tăng cao, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ bấp bênh, cơ quan chức năng khuyến cáo người nuôi cần thận trọng khi tăng đàn và tuân thủ quy định về chăn nuôi loại hình này.

 Mô hình nuôi rắn hổ mang tại huyện Bảo Thắng.

Mô hình nuôi rắn hổ mang tại huyện Bảo Thắng.

Theo thống kê quản lý của Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Thắng, số cơ sở nuôi động vật hoang dã trên địa bàn đã tăng từ 21 lên 27 cơ sở trong năm 2024, với số lượng tổng đàn tăng từ 6.683 lên 9.861 con, trong đó chủ yếu là rắn hổ mang, nhím, dúi, don, cầy vòi mốc, cầy vòi hương… Chỉ cách đây hơn 1 năm, nhiều cơ sở nuôi động vật hoang dã ở huyện Bảo Thắng đã phải đóng cửa hoặc nuôi cầm chừng bởi lý do khó tiêu thụ, có cung nhưng không có cầu, nhưng đến nay, thị trường tiêu thụ có phần hồi phục nên nhiều hộ lại tiếp tục nuôi, với số lượng tăng cao.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Thắng cho biết, nuôi động vật hoang dã thông thường để phát triển kinh tế là việc khuyến khích vì có thể bảo vệ nguồn động vật, nhưng người nuôi cũng cần thận trọng. Về phía Hạt Kiểm lâm, hằng năm, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với chính quyền địa phương các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; quản lý nghiêm ngặt hồ sơ nguồn gốc động vật hoang dã từ các cơ sở gây nuôi trên địa bàn.

Đơn vị cũng chỉ đạo công chức kiểm lâm phụ trách địa bàn thường xuyên tuần tra, kiểm soát các hành vi săn, bắt, bẫy, mua bán, vận chuyển, tàng trữ động vật hoang dã trên địa bàn quản lý; hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra tình hình nuôi nhốt động vật hoang dã của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để kịp thời cập nhật, tổng hợp, theo dõi, báo cáo Chi cục Kiểm lâm tỉnh theo quy định.

 Mô hình nuôi rắn hổ mang sinh sản của gia đình ông Trần Quốc Hùng.

Mô hình nuôi rắn hổ mang sinh sản của gia đình ông Trần Quốc Hùng.

Tại thành phố Lào Cai, mặc dù số cơ sở nuôi không tăng, nhưng số lượng vật nuôi cũng tăng hơn trước. Mô hình nuôi rắn hổ mang sinh sản của gia đình ông Trần Quốc Hùng ở tổ 2, phường Lào Cai trước đây đã từng đem lại thu nhập cao, nhưng từ năm 2019 đến hết năm 2022, sản phẩm này không thể tiêu thụ khiến thu nhập của gia đình giảm sút. Ông Hùng chia sẻ, có thời điểm giá bán xuống thấp, chỉ 200 nghìn/kg, khi ấy gia đình gần như đã phải dừng nuôi và cho ăn cầm chừng để đợi giá. Đến năm 2024, giá bán có chiều hướng phục hồi, gia đình bắt đầu khôi phục đàn. Hiện nhà ông Hùng đang duy trì 500 con rắn, trong đó chủ yếu là rắn cái để nuôi sinh sản bán giống. Mặc dù đã khôi phục nuôi nhưng theo ông Hùng, đến thời điểm này mới có thể gỡ vốn chứ chưa có lãi.

Ông Trần Quang Đại, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Lào Cai cho rằng, hiện đã có nhiều mô hình nuôi động vật hoang dã mang lại hiệu quả kinh tế, điển hình trong đó có mô hình nuôi dúi má đào Thái Lan của gia đình ông Nguyễn Tiến Dũng ở tổ 2, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai. Tuy nhiên không phải hộ nuôi nào cũng thuận lợi, do đó, người dân cần tìm hiểu loài vật nuôi đảm bảo và ổn định thị trường thì mới phát triển lâu dài.

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 80 cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã, trong đó 50 cơ sở nuôi nhốt động vật nguy cấp quý hiếm, 30 cơ sở nuôi động vật hoang dã thông thường. Ông Phan Ngọc Tám, Trưởng phòng Điều tra và xử lý vi phạm về lâm nghiệp, Chi Cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, phần lớn việc nuôi động vật hoang dã trên địa bàn chủ yếu phục vụ phát triển kinh tế. Các cơ sở nuôi đều được cấp mã trại nuôi đảm bảo, tuy nhiên thời gian gần đây, số lượng vật nuôi đã tăng từ 13.000 lên hơn 17.000 con tại các trại nuôi, số lượng tăng lên, lực lượng kiểm lâm các địa bàn nắm và kiểm tra, giám sát thường xuyên. Số lượng đàn tăng lên nhiều cũng là một nguy cơ gây thiệt hại đối với người chăn nuôi, bởi thị trường có thể thay đổi thất thường.

Ngày 4/12/2024, Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có Văn bản số 1497 về việc tăng cường thực thi pháp luật bảo vệ động vật hoang dã. Văn bản chỉ rõ, để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm và các loài thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế động - thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm tổ chức truyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý động vật hoang dã đối với các cơ sở kinh doanh, cơ sở nuôi, đặc biệt là trại nuôi các loài hung dữ...

 Mô hình nuôi dúi má đào đạt hiệu quả kinh tế cao của gia đình ông Nguyễn Tiến Dũng ở tổ 2, phường Bắc Cường.

Mô hình nuôi dúi má đào đạt hiệu quả kinh tế cao của gia đình ông Nguyễn Tiến Dũng ở tổ 2, phường Bắc Cường.

Bên cạnh đó là tăng cường kiểm tra các cơ sở trại nuôi động vật hoang dã, đặc biệt là các loài thú hung dữ như gấu, hổ, cá sấu, rắn... xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý động vật hoang dã, đảm bảo đủ sức răn đe, giáo dục. Đơn vị chức năng cần tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo di dời các cơ sở, trại nuôi động vật hoang dã hung dữ ra khỏi khu dân cư, trước mắt là các cơ sở, trại nuôi quy mô hộ gia đình không đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường và phòng ngừa dịch bệnh…

Đức Nguyễn

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/tang-cuong-quan-ly-gay-nuoi-dong-vat-hoang-da-post394891.html