Tăng cường quản lý giống cây lâm nghiệp

Nhằm đáp ứng nhu cầu trồng rừng, đặc biệt là trồng cây gỗ lớn trong phát triển rừng bền vững, những năm gần đây ngành lâm nghiệp tỉnh Quảng Trị đã tăng cường quản lý, đảm bảo chất lượng giống cây lâm nghiệp.

 Tham quan mô hình vườn ươm cây giống của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thủy Đông, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ - Ảnh: H.T

Tham quan mô hình vườn ươm cây giống của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thủy Đông, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ - Ảnh: H.T

Quảng Trị là tỉnh nằm trong vùng Bắc Trung Bộ, có diện tích tự nhiên là 470.123 ha, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 285.878 ha. Sản lượng gỗ khai thác bình quân hiện nay trên địa bàn tỉnh từ 900.000 đến 1triệu m3 /năm. Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện thành công nhiều mô hình chuyển đổi trồng rừng gỗ dăm sang mô hình trồng rừng kinh doanh gỗ lớn có chứng chỉ FSC. Nhờ vậy, Quảng Trị được đánh giá là một trong những tỉnh đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC cho các tổ chức, mô hình nhóm hộ gia đình. Đến nay, toàn tỉnh đã có 17.745 ha rừng trồng keo được cấp chứng chỉ FSC.

Theo các chuyên gia lâm nghiệp, để tăng năng suất cây trồng, bên cạnh chọn tạo giống có năng suất cao, vùng sinh thái và điều kiện địa hình phù hợp, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh nhằm tạo điều kiện tối ưu cho sinh trưởng của cây trồng. Trong đó, việc xác định giống cây đảm bảo chất lượng đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất lâm nghiệp, giúp cải thiện mục tiêu năng suất rừng trồng phù hợp với điều kiện sinh thái và môi trường tự nhiên. Để phát triển giống cây lâm nghiệp đạt chuẩn, ngoài quản lý, chọn lựa và nhân giống chất lượng cao, thì việc ứng dụng quy trình, công nghệ nhân giống theo phương thức nuôi cấy mô tế bào, cải tiến các vườn ươm cây giống bằng vỏ bầu…

Bên cạnh tập trung xây dựng các rừng giống cây bản địa, tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống lâm nghiệp, tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu nghiên cứu chuyển đổi số trong lĩnh vực giống, phục vụ truy xuất nguồn gốc, quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng…

Đặc biệt, với mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, tăng diện tích rừng trồng gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ FSC, ngành nông nghiệp đã xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng, phát triển giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến 2030”.

Theo đó, đặt mục tiêu hằng năm cung cấp ra thị trường 28 - 33 triệu cây giống, đáp ứng 95% nhu cầu cây giống trên địa bàn toàn tỉnh, 95% cây giống được kiểm soát và có ít nhất 4 cơ sở sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục duy trì và nâng cấp các vườn giống, rừng giống và vườn ươm, đồng thời tiếp tục đào tạo, chuyển giao công nghệ trong sản xuất giống chất lượng cao cho các doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh giống cây lâm nghiệp…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 38 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, hằng năm cung cấp ra thị trường khoảng 24 - 26 triệu cây giống, trong đó khoảng 96% là các loài keo và 4% là giống các loài cây bản địa phục vụ nhu cầu trồng rừng.

Các loài keo chủ yếu là cây keo lai với các dòng BV10, BV16, BV32, BV33, BV73, BV75, AH1, AH7, đây là những dòng có khả năng sinh trưởng nhanh, cho năng suất cao đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống quốc gia, giống tiến bộ kỹ thuật, quá trình khảo nghiệm và sản xuất được đánh giá phù hợp với điều kiện thời tiết và lập địa khu vực tỉnh Quảng Trị.

Trong năm 2019, qua nghiên cứu lai tạo và chọn lọc tại lâm phần, Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ và Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam đã chọn lọc được 2 dòng keo lai BV523 và BV584 có khả năng sinh trưởng đạt 30 - 35 m3 /ha/năm, chất lượng gỗ tốt, nhân giống nhanh, phù hợp cho quá trình phát triển rừng trên địa bàn.

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng, tỉnh Quảng Trị thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các chủ rừng chọn phương pháp kinh doanh rừng, chọn giống và cơ cấu loài cây phù hợp, trong đó chú trọng nguồn gốc, chất lượng giống, ưu tiên trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa đa mục đích nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời tăng tính đa dạng sinh học và khả năng phòng hộ của rừng. Đối với trồng rừng sản xuất cần tập trung trồng các loài cây có năng suất, chất lượng cao; sử dụng các giống cây sản xuất bằng mô, hom, kết hợp trồng cây gỗ mọc nhanh và cây gỗ dài ngày.

Để đảm bảo chất lượng giống cây lâm nghiệp, ngành nông nghiệp thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp thực hiện quản lý giống cây trồng lâm nghiệp đúng quy định tại Nghị định số 27/2021/NĐ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.

Mặt khác, hằng năm thanh tra ngành nông nghiệp và PTNT đều tiến hành kiểm tra công tác sản xuất cây giống lâm nghiệp của các cơ sở trên địa bàn tỉnh để đảm bảo chấp hành quy định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp.

Trong giai đoạn hiện nay, phát triển kinh tế rừng đang là sự lựa chọn của nhiều hộ dân và doanh nghiệp với mục tiêu thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Vì vậy, chất lượng giống cây lâm nghiệp phải được hết sức quan tâm.

Do vậy, thời gian tới, đi đôi với đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng giống có nguồn gốc rõ ràng, giống có chất lượng để nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng, rất cần có chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ nâng cấp hệ thống vườn ươm, nhất là những vườn ươm có quy mô vừa và nhỏ thuộc các địa phương có nhu cầu lớn về giống trồng rừng sản xuất.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý thị trường cây giống, tạo lợi thế cạnh tranh công bằng cho các hộ sản xuất giống đảm bảo chất lượng, giống có chứng chỉ. Tiếp tục đẩy mạnh phối hợp giữa các cấp, ngành trong thực hiện quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.

Tăng cường tuyên truyền về công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh giống; khuyến khích hình thành các nhóm hộ sản xuất, kinh doanh nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường cũng như tạo sự thuận lợi hơn trong công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.

Thu Hạ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=171544&title=tang-cuong-quan-ly-giong-cay-lam-nghiep-