Tăng cường quản lý hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe
Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) gắn liền với việc trang bị đầy đủ năng lực, kỹ năng, nhận thức cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là những yếu tố quan trọng góp phần giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông. Vì vậy, thời gian qua, ngành giao thông vận tải Phú Thọ đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động này theo quy định của pháp luật.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Thọ trang bị và duy trì ca bin điện tử học lái xe ô tô.
Học thật, thi thật
Những năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ, đồng bộ từ nông thôn, miền núi đến các đô thị, kết nối thuận tiện giữa các địa phương trong tỉnh và tỉnh Phú Thọ với các tỉnh miền núi phía Bắc, Thủ đô Hà Nội. Kinh tế phát triển, giao thông thuận lợi, chất lượng đời sống người dân ngày một nâng cao dẫn đến nhu cầu mua xe ô tô và học lái xe ô tô, thi bằng lái xe ô tô ngày càng nhiều. Đáp ứng nhu cầu của người dân, nhiều trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sân bãi, phương tiện, thiết bị phục vụ công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ để hỗ trợ học viên đăng ký học, thi.
Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Phú Thọ (Sở GTVT) là cái tên quen thuộc bởi đây là một trong những đơn vị đào tạo có bề dày kinh nghiệm và uy tín được nhiều học viên tin tưởng đăng ký tham gia. Những năm qua, Trung tâm đã không ngừng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm phương tiện phục vụ công tác đào tạo, sát hạch. Trung tâm hiện có 61 xe đào tạo và đầy đủ phòng học lý thuyết có sử dụng giáo án điện tử hiện đại, khu học thực hành có đủ các mô hình, hệ thống biển báo theo quy định.
Ông Vũ Anh Tuấn - Tổ trưởng Tổ giáo viên dạy thực hành lái xe (Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Phú Thọ) cho biết: Với đội ngũ 60 giáo viên dạy thực hành, 14 giáo viên dạy lý thuyết kiêm thực hành, chúng tôi luôn xác định phải đào tạo thật, học thật và thi thật; luôn trau dồi kiến thức, áp dụng những quy định mới về công tác đào tạo thông qua các lớp tập huấn nhằm đảm bảo cho học viên ra trường được trang bị đầy đủ kiến thức, tự tin trước tay lái, tuân thủ pháp luật, đảm bảo an toàn cho mình và cho mọi người tham gia giao thông.
Chia sẻ về vấn đề đào tạo, học thật, thi thật, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Thọ (Sở LĐ,TB&XH) cho rằng: Mấu chốt của vấn đề là các giáo viên phải bám sát chương trình đào tạo theo quy định. Để nâng cao chất lượng đào tạo, hỗ trợ cho học viên tham gia luyện tập kỹ năng lái xe, xử lý tình huống khách quan trước khi thi sát hạch lấy giấy phép lái xe, Trung tâm đã trang bị, duy trì ca bin học lái xe ô tô, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên theo quy chuẩn kỹ thuật. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã đào tạo được 17 khóa với 755 học viên.
Học viên thực hành lái sa hình tại Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Phú Thọ.
Chặt chẽ trong đào tạo và sát hạch
Ông Dương Văn Minh - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT) cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có bảy cơ sở đào tạo lái xe, năm trung tâm sát hạch và hai điểm sát hạch lái xe mô tô. Trong những năm qua, chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX luôn được quan tâm và được đánh giá có chất lượng tốt, hàng năm cấp đổi, cấp mới trên 60.000 GPLX các hạng. Từ đầu năm đến nay đã cấp mới được gần 30.000 GPLX ô tô, gần 17.000 GPLX mô tô. Việc tổ chức học tập và thi sát hạch luôn đảm bảo đúng quy định, không để xảy ra sai phạm.
Công tác tổ chức sát hạch được tăng cường chặt chẽ từ kiểm tra, xét duyệt hồ sơ, lưu trữ tài liệu đến tổ chức sát hạch, hạn chế tối đa việc tiêu cực và gian lận trong đào tạo, sát hạch… “Nhằm tăng cường quản lý đào tạo, sát hạch lái xe của các cơ sở, trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn, chúng tôi đã tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo lái xe, cấp chứng chỉ; rà soát công tác quản lý, cấp phép các tuyến đường tập lái thông qua khai thác dữ liệu quản lý DAT (hệ thống giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường); đôn đốc các cơ sở nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ lái xe không chỉ về tay nghề mà còn chuẩn mực về đạo đức; đào tạo đảm bảo đúng quy định, đủ thời gian học, giáo trình đúng chuẩn”- ông Minh cho biết thêm.
Theo đồng chí Trịnh Văn Trung - Phó Giám đốc Sở GTVT, Sở đã ban hành Văn bản số 2301/SGTVT-QLVT, PT&NL, ngày 17/10/2022 yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX từ khâu tuyển sinh, quản lý đội ngũ giáo viên, xe tập lái đến công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX. Đặc biệt, Sở đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông chủ trì phối hợp với phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái cùng chính quyền các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo lái xe không đảm bảo thực hiện đầy đủ nội dung về đào tạo lái xe, rà soát các sân tập tự phát, các giáo viên, xe tập lái không đủ điều kiện, tiến hành xử phạt theo quy định. Hội đồng sát hạch, tổ sát hạch tăng cường kiểm tra, đối chiếu người dự sát hạch, tránh tình trạng người thi hộ, phối hợp với các cơ sở y tế kiểm tra đảm bảo các quy định về sức khỏe đối với học viên, không để thí sinh gian lận trong quá trình thi lý thuyết và sát hạch trong sân…
Có thể khẳng định, công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX trên địa bàn tỉnh đang thực hiện ngày càng chặt chẽ, theo hướng tăng cường trách nhiệm, đảm bảo sự thống nhất, công khai, minh bạch. Việc siết chặt quy trình đào tạo, sát hạch lái xe nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi giáo viên dạy lái và các học viên tham gia học tập, giúp những học viên sau khi có GPLX, điều khiển phương tiện tham gia giao thông tuân thủ nghiêm Luật Giao thông đường bộ, góp phần vào công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Ngọc Tuấn