Tăng cường quản lý hoạt động thu mua, kinh doanh phế liệu
Thu mua phế liệu là một hình thức kinh doanh góp phần làm sạch môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên và tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, trong thực tế, hoạt động kinh doanh này lại đang tồn tại nhiều bất cập, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động, an toàn phòng, chống cháy nổ.
Một cửa hàng kinh doanh, thu mua phế liệu trên đường Lê Văn Hưu, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa).
Phần lớn các cơ sở thu mua phế liệu chủ yếu nằm xen kẽ trong khu dân cư. Các loại phế phẩm như giấy, bìa các tông, vỏ chai nhựa, sắt thép, nhôm, các thiết bị đồ điện cũ xếp đống ngổn ngang trong những căn nhà, lều tạm bợ gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sống của các hộ xung quanh, làm mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Phản ánh của nhiều người dân sống xung quanh các điểm thu mua, kinh doanh tập kết phế liệu, các bãi chứa phế liệu thường xuyên bốc mùi khó chịu, nhất là vào mùa mưa. Điều này đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe của các hộ dân sống xung quanh. Tại một cơ sở thu mua nhựa có quy mô tương đối lớn tại đường Lê Văn Hưu, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa), hàng ngày, hoạt động thu mua ở đây khá nhộn nhịp, các loại phế liệu tập kết ngay trên vỉa hè. Phế liệu thu mua ở đây gồm đủ loại, từ bao nilon, giấy, đồ nhựa, sắt, thép và những sản phẩm gia dụng như ti vi, tủ lạnh... đã hư hỏng. Lượng phế liệu lớn được thu gom hàng ngày quá tải so với khu chứa hàng nên đã được xếp tràn ra cả lòng đường.
Trên thực tế, việc kinh doanh, thu mua phế liệu trong khu vực đô thị, khu dân cư tập trung đã bị hạn chế từ nhiều năm nay. Thế nhưng, do một số hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, các cơ sở thu mua phế liệu vẫn “mọc” lên khá nhiều. Là loại hình kinh doanh có điều kiện, các cơ sở này phải bảo đảm nhiều tiêu chí, như: có giấy phép kinh doanh, cam kết bảo vệ môi trường, hệ thống phòng, chống cháy, nổ đúng quy định... Quy định là vậy, song hầu hết các cơ sở đều hoạt động một cách tự phát, phớt lờ việc bảo đảm các quy chuẩn trên. Đơn cử như việc để phế liệu ngoài trời, không được che chắn, nước mưa chảy vào phế liệu, sau đó ngấm vào đất mang theo các chất độc hại, trong khi hầu hết các cơ sở này đều không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Nhiều điểm kinh doanh loại hình này còn thường xuyên lấn chiếm lòng, lề đường để làm nơi tập kết, trung chuyển phế liệu; ảnh hưởng tới môi trường sống và gây mất trật tự, an toàn giao thông.
Thu mua phế liệu vốn là một trong những ngành nghề góp phần làm sạch môi trường, nhưng chính hình thức kinh doanh này lại đang gây ô nhiễm cao khi ngày càng có nhiều điểm thu mua phế liệu “mọc” lên tự phát, không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường; phòng chống cháy nổ. Để lập lại trật tự trong lĩnh vực này, ngoài công tác kiểm tra, các cấp, các ngành có liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ tới các chủ cơ sở kinh doanh phế liệu. Đồng thời, chính quyền các địa phương cũng cần tăng cường giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đối với các điểm thu mua phế liệu. Những cơ sở thu mua phế liệu không đăng ký kinh doanh phải dừng hoạt động; các cơ sở kinh doanh sai địa điểm buộc đình chỉ hoạt động; các cơ sở kinh doanh có giấy phép phải bảo đảm quy định về phòng cháy, chữa cháy, đăng ký cam kết bảo vệ môi trường và thực hiện cam kết theo quy định. Về phía người dân sinh sống gần những địa điểm kinh doanh, thu mua phế liệu, nếu phát hiện cơ sở nào diễn ra việc thu mua phế liệu không bảo đảm an toàn, không chấp hành các quy định về phòng, chống cháy nổ có thể báo cáo với chính quyền địa phương hoặc các cơ quan chức năng để có hình thức kiểm tra và xử lý. Đối với những người tham gia thu gom, xử lý phế liệu, cần nâng cao ý thức, trang bị các kỹ năng bảo đảm an toàn lao động; phòng, chống cháy nổ. Về lâu dài, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các khu dân cư, cần quy hoạch các điểm, cơ sở thu mua phế liệu tới một khu vực tập trung. Có như vậy, hoạt động thu mua, kinh doanh phế liệu mới phát huy hiệu quả, góp phần làm sạch môi trường, tiết kiệm tài nguyên và mang lại nguồn thu nhập cho người dân.