Tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử

Với nhiều tiện ích trong mua sắm và kinh doanh, hoạt động mua bán trên môi trường thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, song cũng mang lại không ít rủi ro cho người tiêu dùng và gây khó trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng.

Đại diện các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tham gia lớp tập huấn phổ biến kiến thức, hướng dẫn cách thức bán hàng trực tuyến do Sở Công Thương tổ chức. Ảnh: KHANG ANH

Đại diện các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tham gia lớp tập huấn phổ biến kiến thức, hướng dẫn cách thức bán hàng trực tuyến do Sở Công Thương tổ chức. Ảnh: KHANG ANH

Vẫn còn sai phạm

Mua bán hàng hóa thông qua môi trường thương mại điện tử (TMĐT) đã trở nên quen thuộc đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng. Dễ nhận thấy là ngày càng có nhiều fanpage, Facebook cá nhân, website bán hàng đăng tải hình ảnh hàng hóa, cập nhật thông tin thường xuyên để giới thiệu sản phẩm.

Theo nhận định của nhiều người tiêu dùng, hàng hóa được bán qua các địa chỉ bán hàng online rất đa dạng, giá cả cũng phổ biến ở nhiều mức khác nhau, từ bình dân đến cao cấp. Chị Nguyễn Lê Thạch Thảo (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa) cho biết: Những khi có thời gian tôi mở điện thoại ra lướt là thấy thông tin bán hàng. Khi xem có sản phẩm mình cần thì nhấn đặt hàng, vài ba ngày sau nhận tại nhà, không mất thời gian đến cửa hàng để chọn lựa.

Chị T.T.H.N, chủ cửa hàng bán đồ dùng, mỹ phẩm, phụ kiện H.N (phường 4, TP Tuy Hòa), chủ trang Facebook có địa chỉ H.N Store chia sẻ: Hình thức mua bán hàng online phát triển mạnh từ sau khi dịch COVID-19 bùng phát. Hiện không ít khách hàng trước đây thường xuyên đến tiệm tôi mua hàng đã giảm hẳn việc lui tới cửa hàng, thay vào đó họ chỉ đặt mua hàng online.

Do vậy, để “chạy” hàng, tôi vừa bán trực tiếp vừa cung cấp qua online để khách hàng tiện lựa chọn. Trang cá nhân bán hàng của tôi được tạo từ năm 2023, mới đây, tôi bắt đầu làm quen với hình thức bán hàng livestream vào các ngày cuối tuần để phục vụ người mua.

Tuy hoạt động TMĐT tạo thuận tiện không chỉ cho người mua mà còn tăng khả năng cạnh tranh, cơ hội bán hàng cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhưng đây cũng là môi trường mang lại nhiều rủi ro cho người mua hàng vì nguy cơ mua phải hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng.

Chị Huỳnh Thị Diệm (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa) cho hay: Sau khi xem video giới thiệu sản phẩm mặt nạ thảo mộc làm từ lá diếp cá của một trang cá nhân, tôi đặt mua thử 1 hũ. Lúc nhận hàng, tôi thấy màu sắc sản phẩm không như quảng cáo nên đã nhắn tin cho trang bán hàng, nhưng tin nhắn không được tiếp nhận. Khi tôi click trực tiếp vào trang cá nhân đó, thì trang này không còn hiển thị. Biết mình tương tác với trang giả mạo nên tôi không dám dùng sản phẩm đã mua.

Tại cuộc họp sơ kết công tác quản lý thị trường 6 tháng đầu năm 2024, ông Huỳnh Trang, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Phú Yên cho biết: Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, cục và các ngành chức năng trên địa bàn phát hiện nhiều sai phạm về TMĐT.

Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường Phú Yên đã tổ chức kiểm tra 11 vụ liên quan đến TMĐT; phát hiện sai phạm và xử lý vi phạm hành chính 93,5 triệu đồng; tổng trị giá hàng hóa tịch thu trên 70 triệu đồng; tổng trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy 24,5 triệu đồng.

Tăng cường quản lý, chấn chỉnh

Theo ông Huỳnh Trang, hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh TMĐT chủ yếu là không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng, sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website TMĐT bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định, hàng hóa giới thiệu không có hóa đơn chứng từ…

Một trang bán hàng online bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý vì không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Ảnh: CTV

Một trang bán hàng online bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý vì không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Ảnh: CTV

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra sâu sát; tuyên truyền cho bà con, hộ kinh doanh nhất là khu vực nông thôn, miền núi; đề xuất, hiến kế các giải pháp để quản lý, kiểm soát tốt hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số. Nội dung công điện nhận định, TMĐT đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng lớn trong thương mại toàn cầu.

Tại Việt Nam, hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số cũng đã phát triển tích cực, trở thành kênh phân phối quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân và góp phần phát triển các dịch vụ tài chính, dịch vụ thanh toán điện tử. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm phát triển TMĐT, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý thuế trong hoạt động này.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác quản lý thu thuế...

Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý TMĐT; phát hiện và xử lý vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao tinh thần tuân thủ pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng; tăng cường công tác cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng qua TMĐT…

Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thị Nguyên Thảo cũng đã ký văn bản gửi các sở, ban ngành, địa phương yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện các nội dung liên quan. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương tiếp tục hướng dẫn, thông tin tới các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện việc thông báo website TMĐT, đăng ký website cung cấp dịch vụ TMĐT với Bộ Công Thương theo quy định; tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai Chương trình TMĐT giai đoạn 2021-2025…

Cùng với đó, Sở Tài chính, Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Cục Quản lý thị trường Phú Yên… phối hợp kết nối, chia sẻ dữ liệu liên quan đến hoạt động thu thuế, chống thất thu thuế; thúc đẩy tiến độ kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương; chủ động tuyên truyền, hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT thực hiện nghĩa vụ đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo quy định.

Theo đại diện Sở Công Thương, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát về tuân thủ các quy định, pháp luật về TMĐT đối với các thương nhân trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao tinh thần tuân thủ pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng.

Sở cũng tăng cường cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng qua TMĐT; đồng thời tổ chức triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng cường năng lực cạnh tranh.

Các đơn vị phối hợp kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT; tuyên truyền phổ biến đến các doanh nghiệp, các đại lý bán lẻ, hộ kinh doanh, cửa hàng tiện lợi, người dân thực hiện đúng quy định pháp luật trong hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số…

Đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,

Phó Chủ tịch UBND tỉnh

VÕ PHÊ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/318811/tang-cuong-quan-ly-hoat-dong-thuong-mai-dien-tu.html