Tăng cường quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh
Theo báo cáo của Sở Giao thông – Vận tải (GTVT), hiện nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 61 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, với 850 phương tiện (trong đó, xe của các đơn vị kinh doanh vận tải có địa chỉ trên địa bàn tỉnh 650 xe và xe của các tỉnh, thành phố về tỉnh Thanh Hóa khoảng 200 xe); 17 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, với 2.680 phương tiện; 5 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, với 190 phương tiện; 740 đơn vị (doanh nghiệp và hộ kinh doanh) kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, với 1.100 phương tiện.
Bến xe ô tô khách phía Bắc TP Thanh Hóa.
Thời gian qua, Sở GTVT đã triển khai các quy định của pháp luật về vận tải hành khách bằng xe ô tô đến các đơn vị vận tải. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý về vận tải, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân lựa chọn đi lại bằng xe ô tô.
Sở GTVT đã yêu cầu các doanh nghiệp, HTX, cá nhân tham gia vận tải hành khách thực hiện nghiêm quy định niêm yết tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe. Niêm yết ở vị trí lái xe dễ nhận biết khi điều khiển phương tiện khẩu hiệu: “Tính mạng con người là trên hết”. Số lượng, chất lượng, cách bố trí ghế ngồi trong xe phải bảo đảm đúng theo thiết kế của xe. Trên xe có trang bị dụng cụ thoát hiểm, bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn theo quy định. Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức. Hợp đồng vận chuyển hành khách được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Đối với mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng vận chuyển hành khách. Hợp đồng vận chuyển hành khách phải có các nội dung cơ bản, như: Thời gian thực hiện hợp đồng; địa chỉ nơi đi, nơi đến; hành trình chạy xe chiều đi và chiều về (trong đó, ghi rõ điểm khởi hành, lộ trình; các điểm đón, trả khách trên cả hai chiều, điểm kết thúc hành trình), số lượng hành khách, giá trị hợp đồng, các quyền lợi của hành khách và các dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình... Đối với hợp đồng vận chuyển học sinh, sinh viên đi học hoặc cán bộ, công nhân viên đi làm phải ghi rõ thời gian từng chuyến xe theo ngày, giờ trong tuần. Theo quy định, từ ngày 1-7-2015, khi sử dụng xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên để thực hiện hợp đồng vận chuyển hành khách thì trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo tới Sở GTVT nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin, như: Hành trình (điểm khởi hành, lộ trình, điểm đón, trả khách, điểm kết thúc hành trình), thời gian thực hiện hợp đồng và số lượng hành khách bằng văn bản hoặc qua thư điện tử (email) trang thông tin điện tử, phần mềm quản lý vận tải của Sở GTVT theo mẫu quy định tại Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 7-11-2014 của Bộ GTVT về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Cự ly của hành trình được xác định từ điểm khởi hành đến điểm kết thúc của chuyến đi. Khi vận chuyển hành khách theo hợp đồng, lái xe phải mang theo hợp đồng vận chuyển và danh sách hành khách theo mẫu.
Thực hiện quy định của Chính phủ, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, thời gian qua, Sở GTVT đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp kinh doanh vận tải thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực vận tải đường bộ. Đồng thời, chỉ đạo thanh tra Sở GTVT tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát; xây dựng kế hoạch để kiểm tra xe hợp đồng, xe vận tải hành khách tuyến cố định đón trả khách không đúng nơi quy định, thực hiện không đúng biểu đồ chạy xe theo phương án khai thác tuyến đã được cơ quan quản lý tuyến chấp thuận; xe dù lôi kéo, đón trả khách tại các điểm dừng, đỗ của xe buýt; xử lý nghiêm theo quy định đối với trường hợp vi phạm. Thanh tra Sở GTVT cũng đã phối hợp với các lực lượng chức năng thuộc Công an tỉnh; các đơn vị có liên quan trực thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh... Thông qua kiểm tra, theo dõi từ thiết bị giám sát hành trình, từ đầu năm 2019 đến hết tháng 2–2020, Sở GTVT đã đình chỉ khai thác tuyến 1 tháng đối với 4 phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải hành khách đối với 3 đơn vị kinh doanh vận tải (thu hồi có thời hạn 1 đơn vị, không thời hạn 2 đơn vị), thu hồi phù hiệu 179 phương tiện, thu hồi giấy phép liên vận Việt - Lào 25 trường hợp, thông báo phù hiệu không còn giá trị sử dụng đối với 402 trường hợp do vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải. Xử phạt hành chính đối với xe khách, xe hợp đồng, xe taxi, xe buýt do vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, với tổng số tiền 125 triệu đồng (trong đó, xe khách tuyến cố định 57 triệu đồng, xe hợp đồng vận chuyển hành khách 27 triệu đồng, xe taxi 18 triệu đồng, xe buýt 23 triệu đồng). Ngoài ra, từ ngày 1–1-2020 đến ngày 15–2–2020, thanh tra Sở GTVT đã xử phạt 33 tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong vận tải hành khách bằng xe ô tô, phạt tiền hơn 117 triệu đồng, tước 9 giấy phép lái xe và 4 phù hiệu.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình vận tải hành khách, như: Xe khách chạy hợp đồng, xe khách tuyến cố định với xe buýt; xe hợp đồng, xe chạy tuyến cố định, xe taxi đón trả khách tại các điểm dừng đỗ của xe buýt. Xe chạy tuyến cố định, xe hợp đồng dừng đón trả khách không đúng nơi quy định, phóng nhanh vượt ẩu... Công tác phối hợp giữa Thanh tra Sở GTVT với các lực lượng chức năng thuộc Công an tỉnh trong việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn nhiều hạn chế... Nguyên nhân được Sở GTVT xác định, là: Các điểm đón trả khách theo tuyến cố định đã có nhưng chưa có kinh phí đầu tư xây dựng nên xe khách tuyến cố định dừng đón khách chưa đúng điểm đón trả khách vẫn còn diễn ra... Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải còn chưa chặt chẽ, đang phải sửa đổi bổ sung dẫn đến tình trạng loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng nhưng chạy theo tuyến cố định phát triển trên địa bàn gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với các xe chạy tuyến cố định và cơ quan quản lý rất khó để đấu tranh, xử lý vi phạm.
Đại diện lãnh đạo Sở GTVT cho biết: Sở tiếp tục chỉ đạo thanh tra Sở GTVT xây dựng kế hoạch kiểm tra đối với những huyện, thị xã, thành phố xuất hiện nhiều xe hợp đồng, xe vận tải hành khách tuyến cố định đón trả khách không đúng nơi quy định, thực hiện không đúng biểu đồ chạy xe theo phương án khai thác tuyến đã được cơ quan quản lý có thẩm quyền chấp thuận; xe dù lôi kéo, đón trả khách tại các điểm dừng đón trả khách của xe buýt. Chỉ đạo phòng chuyên môn tăng cường công tác theo dõi, giám sát thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; xử lý nghiêm các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô vi phạm về tốc độ, đón trả khách không đúng nơi quy định, thực hiện không đúng biểu đồ chạy xe theo phương án khai thác tuyến đã được cơ quan quản lý tuyến chấp thuận.
Sở GTVT đề nghị Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng có liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện xe hợp đồng, xe vận tải hành khách tuyến cố định đón trả khách không đúng nơi quy định, thực hiện không đúng biểu đồ chạy xe theo phương án khai thác tuyến đã được cơ quan quản lý tuyến chấp thuận; xe dù lôi kéo, đón trả khách tại các điểm dừng đón trả khách của xe buýt. Đồng thời, Sở GTVT triển khai đến các đơn vị vận tải, các sở, ngành, địa phương, Hiệp hội Vận tải ô tô Thanh Hóa về những thay đổi cơ bản của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17–1-2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh bằng xe ô tô.