Tăng cường quản lý khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước
Tỉnh Quảng Trị có địa hình thấp dần từ Tây sang Đông và chia thành các dạng địa hình vùng núi cao, trung du, vùng đồng bằng nhỏ hẹp. Do địa hình phía Tây núi cao, chiều ngang hẹp nên hệ thống sông suối đều ngắn và dốc. Toàn tỉnh có 12 con sông lớn nhỏ, tạo thành 4 hệ thống sông chính là sông Bến Hải, sông Thạch Hãn, sông Ô Lâu và hệ thống sông Sê Pôn - Sê Băng Hiêng.
Hệ thống sông ngòi là sự ưu đãi của thiên nhiên để góp phần phát triển kinh tế, tạo ra những thế mạnh về giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu nông nghiệp, thủy điện, cấp nước sinh hoạt và công nghiệp... Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự gia tăng tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nên nhu cầu sử dụng nước cho các mục đích khác cũng tăng nhanh, gây áp lực cao về khả năng đáp ứng nguồn nước. Mặt khác, do sự tác động của biến đổi khí hậu và tập quán sử dụng nước của người dân dẫn đến tài nguyên nước (nước mặt và nước dưới đất) đang có dấu hiệu suy giảm mà không có sự hồi phục theo quy luật, đặc biệt là suy giảm tài nguyên nước ở khu vực sử dụng vào mục đích sinh hoạt, sản xuất ở các đô thị tập trung và cấp nước tưới cây công nghiệp.
Hiện nay, tỉnh Quảng Trị chưa có kết quả đánh giá đầy đủ về khả năng trữ lượng cũng như giới hạn mực nước khai thác cho từng khu vực khai thác cụ thể. Do đó, công tác quản lý việc khai thác sử dụng tài nguyên nước còn gặp nhiều khó khăn, chưa đảm bảo việc khai thác bền vững tài nguyên nước trong vùng. Theo thống kê hiện nay tỉnh Quảng Trị có 665 công trình khai thác, sử dụng nước với các mục đích như tưới tiêu, thủy điện và mục đích khác theo loại hình như hồ chứa, cống, trạm bơm, giếng khoan và loại hình công trình khác. Tuy nhiên, chất lượng môi trường nước của các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng bởi các thông số TSS, tổng Coliform và E.coli.
Phần lớn các vùng không chịu tác động do xâm nhập mặn, chất lượng nước đảm bảo cấp được cho mục đích sinh hoạt và tưới tiêu nhưng chất lượng nước tại các vùng hạ lưu hai hệ thống sông Thạch Hãn và Bến Hải suy giảm đáng kể do xâm nhập mặn, đặc biệt từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm. Chất lượng môi trường nước tại 10 hồ quan trắc năm 2021 hầu hết các thông số đều ổn định và nằm trong giới hạn B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Riêng tại một số hồ nội đô như Nam Hào, Đại An, Khe Chè, Khe Sanh, Lao Bảo… nguy cơ ô nhiễm chất hữu cơ, đặc biệt vào các tháng mùa hè, trong đó hồ Khe Chè thông số TDS khá cao vào các tháng mùa khô.
Hầu hết các thông số quan trắc chất lượng nước biển ven bờ tỉnh Quảng Trị năm 2021 đều ổn định và nằm trong giới hạn cho phép của QCVN10-MT:2015/BTNMT. Riêng đối với thông số PO4-P, các thông số khoáng trong nước như TDS, độ cứng, clorua, sulfat tại một số bãi tắm và khu vực nuôi tôm ở địa bàn huyện Hải Lăng và Vĩnh Linh khá cao do ảnh hưởng từ các hoạt động nuôi tôm nước lợ vùng ven biển và chất lượng nước dưới đất suy giảm đáng kể do bị nhiễm mặn.
Nhìn chung, các thông số quan trắc chất lượng nước khá ổn định không có sự biến động lớn qua các năm. Vậy nhưng nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước từ các làng nghề rất lớn bởi phần lớn không có biện pháp xử lý chất thải nên đã gây ra tình trạng ô nhiễm, đáng lo ngại nhất là ô nhiễm từ nước thải tập trung tại các làng nghề làm bún. Ngoài ra, các lĩnh vực như chế biến tinh bột sắn, dệt - nhuộm - may, sản xuất phân bón, hệ thống xử lý nước thải đô thị, khai thác titan có nguồn nước thải lớn nên cần có phương án xử lý.
Để làm cơ sở cho việc quản lý, cấp phép hoạt động tài nguyên nước và đảm bảo hiệu quả trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, tỉnh Quảng Trị đã lập Quy hoạch tổng thể tài nguyên nước tỉnh Quảng Trị đến năm 2010, có định hướng đến năm 2020; Quy hoạch quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất miền đồng bằng tỉnh Quảng Trị. Trên cơ sở Luật Tài nguyên nước 2012, các văn bản hướng dẫn thi hành và để tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên nước, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND ngày 27/5/2015 Quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải xin cấp giấy phép hoạt động tài nguyên nước thực hiện lập hồ sơ cấp giấy phép theo quy định. Thông qua hoạt động cấp phép đã cơ bản kiểm soát được chất lượng, số lượng nguồn nước sử dụng, chất lượng nguồn nước tiếp nhận nước thải...Trong năm 2021, UBND tỉnh đã cấp 11 giấy phép thăm dò nước dưới đất; khai thác, sử dụng nước dưới đất; xả nước thải vào nguồn nước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 84 giấy phép tài nguyên nước đang còn hiệu lực. Hội đồng thẩm định do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì đã tiến hành thẩm định tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với 35 giấy phép.
Nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên nước và công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Tài nguyên nước, các nghị định, thông tư hướng dẫn và các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước.
Để đảm bảo ngăn ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước của các công trình khai thác nước cấp cho sinh hoạt, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Trị phối hợp với chính quyền địa phương xác định ranh giới phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình trên thực địa để bảo vệ nguồn nước; theo dõi, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình. Tăng cường hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng, phát triển bền vững tài nguyên nước; chủ động phòng chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và khắc phục hậu quả tác hại.
UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã ban hành Quyết định số 2399/QĐ-UBND ngày 8/9/2021 về việc phê duyệt và công bố danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo an toàn trong phòng, chống ngập úng và bảo vệ nguồn nước cũng như góp phần quan trọng trong việc tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn trong việc cấp nước. Sở Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Trị” trong đó có xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12/2023. Hằng năm xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động tài nguyên nước. Thường xuyên chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật trong hoạt động tài nguyên nước theo quy định của pháp luật, kịp thời phát hiện các thiếu sót, sai phạm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước, từng bước đưa công tác quản lý về lĩnh vực tài nguyên nước ngày càng đi vào nền nếp.
Tuy nhiên, hiện nay hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước, môi trường, thủy lợi còn thiếu đồng bộ, thay đổi, điều chỉnh thường xuyên; một số nội dung còn chồng chéo gây khó khăn trong công tác quản lý. Theo quy định nhiệm vụ đối với lĩnh vực tài nguyên nước rất nhiều, tuy nhiên kinh phí bố trí để thực hiện còn hạn chế nên vẫn còn một số nội dung công việc chưa thực hiện. Vì vậy, các bộ, ngành chức năng cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn chi tiết, cụ thể sửa đổi bổ sung các nội dung còn vướng mắc, bất cập để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy từ cấp huyện, xã đến cấp tỉnh. Đầu tư đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản lý tài nguyên nước cho cán bộ trực tiếp phụ trách, đặc biệt cán bộ ở cấp cơ sở. Đầu tư kinh phí thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên nước. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng. Thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh hoặc xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật về tài nguyên nước trên địa bàn.