Tăng cường quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại
* Ngăn chặn bùng phát dịch bệnh ở gia súcThủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 42/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.
* Ngăn chặn bùng phát dịch bệnh ở gia súc
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 42/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.
Theo đó, thời gian gần đây, một số loài ngoại lai xâm hại xuất hiện tại một số địa phương, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới đa dạng sinh học, môi trường, kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; nguy cơ nhập khẩu trái phép, nuôi trồng, phát tán loài ngoại lai xâm hại tại Việt Nam khá cao. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi trồng, phát triển, kinh doanh loài ngoại lai xâm hại; tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại; quản lý chặt chẽ hoạt động nuôi, trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại; chỉ đạo, hướng dẫn áp dụng các biện pháp kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp...
* Tỉnh Bắc Kạn vừa phát hiện thêm hai mẫu bệnh phẩm dương tính với bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò ở thôn Khuổi Khí và Nà Vài, xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm. Như vậy, trong vòng một tháng, địa phương này đã xuất hiện hai điểm có bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành thú y tỉnh Bắc Kạn đang tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, khoanh vùng những khu vực tập trung nhiều trâu, bò, nhất là tại khu vực chợ trâu, bò Nghiên Loan.
* Tại bản Lùng Cúng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã xảy ra ổ dịch lở mồm long móng với gần 200 con gia súc mắc bệnh, trong đó có 97 con trâu, 66 con bò, chín con lợn. Để ngăn chặn, không cho dịch bệnh lây lan ra diện rộng, cơ quan chức năng đã chỉ đạo lập chốt kiểm dịch, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các biện pháp ngăn chặn dịch đến từng hộ dân, đưa gia súc có biểu hiện mắc bệnh lở mồm long móng vào khu chăn nuôi cách ly để chăm sóc, theo dõi.
* Ngày 9-12, UBND tỉnh Kon Tum có Văn bản số 4548/UBND-NNTN về việc tập trung chỉ đạo kiểm soát, phòng, chống bệnh lở mồm long móng lây lan diện rộng. Theo đó, tỉnh yêu cầu thành lập ngay đoàn công tác do lãnh đạo UBND huyện đến các nơi đang có dịch bệnh để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo và phối hợp chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch. Cùng đó, áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp vệ sinh, sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh tại ổ dịch, nơi xử lý chôn trâu, bò, địa bàn nguy cơ cao...; tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch và tiêm bổ sung vắc-xin cho đàn gia súc, nhất là tại những khu vực có nguy cơ cao.
* Tỉnh Quảng Trị đang cần di dời tái định cư khẩn cấp 39 hộ với 190 nhân khẩu sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở đất để bảo đảm an toàn ở ba xã của huyện miền núi Hướng Hóa gồm xã Hướng Sơn 13 hộ với 57 nhân khẩu, Hướng Lập 8 hộ với 25 nhân khẩu và Húc 18 hộ với 108 nhân khẩu. Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn bố trí của Nhà nước chỉ đáp ứng từ 15 đến 20% so với nhu cầu thực tế.
* Tại Ninh Thuận, để người dân có điều kiện sản xuất trở lại sau tác động của thiên tai, vụ đông xuân 2020 - 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xuất cấp không thu tiền 1.143 tấn giống cây trồng; trong đó, lúa 1.050 tấn, còn lại là giống rau màu các loại từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ nông dân bước vào sản xuất kịp thời vụ.
* Nhằm hỗ trợ người dân bị thiệt hại, ảnh hưởng bởi hạn mặn, UBND tỉnh Bến Tre đã phê duyệt gần 38,5 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do hạn mặn mùa khô năm 2019 - 2020 cho các huyện, thành phố. Nguồn kinh phí đã được phân bổ về các địa phương; ngành chức năng đang thực hiện thủ tục để hỗ trợ người dân bị thiệt hại.
* Ủy ban MTTQ huyện Bát Xát (Lào Cai) vừa tổ chức trao tiền hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng do mưa lũ tại các xã: Quang Kim, Bản Qua và thị trấn Bát Xát. Tổng số tiền được trao đợt này là 410 triệu đồng, cho 135 hộ dân, hộ thấp nhất được hỗ trợ một triệu đồng, hộ cao nhất là 20 triệu đồng. Đây là số tiền cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động, các đơn vị lực lượng vũ trang và doanh nghiệp trên địa bàn huyện Bát Xát quyên góp.
* Ngày 9-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành chỉ thị đề nghị các địa phương đang có ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò cần tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch; không để dịch bệnh lây lan và phát sinh các ổ dịch mới; hằng ngày, báo cáo đầy đủ tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống cho các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và chính quyền các cấp. Đối với địa phương chưa có dịch, địa phương có nguy cơ cao, phải tổ chức rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn và hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, vệ sinh, sát trùng, diệt côn trùng, ruồi muỗi, ve, mòng…
Nghiên cứu nguyên nhân trượt lở đất tại các tỉnh miền trung
Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đánh giá cụ thể về nguyên nhân trượt lở đất tại các tỉnh khu vực miền trung vừa qua, đề xuất phương án xử lý, hạn chế thiệt hại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, theo thông tin của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam, các hiện tượng thời tiết bất thường gây mưa lớn, cộng với hoạt động phá rừng, xây dựng giao thông, nhà cửa đã thúc đẩy quá trình tai biến địa chất, nhất là trượt lở đất đá ngày càng lớn, thiệt hại ngày càng tăng. Do đó cần thành lập bộ phận chuyên trách về sạt lở đất ở các địa phương có nguy cơ cao; tập huấn cho người dân về dấu hiệu của sạt lở đất, các kỹ năng cơ bản để giảm thiệt hại; áp dụng công nghệ trong dự báo, cảnh báo sạt lở đất.