Tăng cường quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có liên quan đến an ninh, trật tự
Ngày 22/7/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Công văn số 10426/UBND-KSTTHCNC về tăng cường quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có liên quan đến ANTT.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các quy định điều kiện về ANTT đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra, nhận diện các hành vi kinh doanh trái phép, trá hình, biến tướng, lách luật, núp bóng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về ANTT để chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến để cán bộ, công chức, người lao động và quần chúng Nhân dân nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm thường lợi dụng các cơ sở kinh doanh có điều kiện để vi phạm pháp luật, từ đó đề cao cảnh giác, kịp thời tố giác các hành vi vi phạm pháp luật cho cơ quan Công an, góp phần đảm bảo ANTT.
Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức; kiên quyết điều chuyển khỏi vị trí công tác hoặc xử lý nghiêm những cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, tiêu cực, bao che cho các hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh.
Công an tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về ANTT đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; kịp thời phát hiện những sơ hở, nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh, phát triển tội phạm để triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý. Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động của cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, cơ sở hoạt động trá hình, biến tướng, lách luật, núp bóng ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Kịp thời phát hiện các tồn tại, thiếu sót trong quản lý nhà nước của các ngành chức năng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng công tác quản lý nhà nước để trục lợi, bao che, tham nhũng, tiêu cực hoặc lợi dụng hoạt động của các cơ sở kinh doanh này để vi phạm pháp luật.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, dịch vụ lưu trú du lịch, dịch vụ văn hóa công cộng. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh có liên quan đến hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa và hình thức vui chơi giải trí khác, nhất là việc chấp hành thời gian hoạt động.
Tổ chức hướng dẫn chuyên sâu cho các địa phương trong việc nhận diện loại hình hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh có liên quan đến hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; kiên quyết không để diễn ra tình trạng buông lỏng quản lý trên lĩnh vực văn hóa. Kịp thời phát hiện các sơ hở, thiếu sót trong hệ thống quy định của pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước về văn hóa; kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung để phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý.
Sở Kế hoạch và Đầu tư siết chặt công tác cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động đúng ngành nghề đã đăng ký kinh doanh. Tổ chức thanh tra, hậu kiểm để phát hiện các trường hợp hoạt động không đúng ngành nghề đã đăng ký kinh doanh hoặc không thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định.
Sở Y tế tổ chức hướng dẫn công tác quản lý nhà nước về y tế đối với loại hình dịch vụ thẩm mỹ. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định của pháp luật trên lĩnh vực y tế theo thẩm quyền. Kịp thời phát hiện các sở hở, thiếu sót trong hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước về y tế; kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung để phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra, xác nhận đăng ký hợp đồng lao động đúng quy định; phối hợp triệt phá, bài trừ các loại tệ nạn xã hội trong cơ sở kinh doanh dịch vụ có liên quan đến ANTT.
Cục Quản lý thị trường, Cục Thuế, Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông căn cứ chức năng nhiệm vụ để hướng dẫn, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước và tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về quảng cáo, về hóa đơn, trốn thuế, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại tại các cơ sở hoạt động kinh doanh ngành nghề đầu tư, kinh doanh có liên quan đến ANTT.
UBND cấp huyện thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về ANTT đối với cơ sở kinh doanh có điều kiện; tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa, y tế và các lĩnh vực khác có liên quan đối với cơ sở hoạt động kinh doanh các ngành nghề tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về ANTT; siết chặt công tác cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định. Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng địa bàn, cơ quan an toàn về ANTT; không để tội phạm lợi dụng hoạt động kinh doanh có điều kiện về ANTT để hoạt động phức tạp, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.