Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng
Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, quy hoạch về công chứng được bãi bỏ từ ngày 1/1/2019. Bỏ quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng đồng nghĩa với việc thành lập văn phòng công chứng không còn phụ thuộc vào lộ trình, chỉ tiêu theo từng năm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các văn phòng công chứng. Tuy nhiên điều này cũng đặt ra không ít thách thức đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng ở các địa phương.
Công chứng là một nghề bổ trợ tư pháp, là loại hình dịch vụ công cơ bản do Nhà nước ủy nhiệm để đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội, đặc biệt là những giao dịch quan trọng liên quan đến đất đai, bất động sản, thế chấp tài sản.
Để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về hoạt động công chứng trên địa bàn trong điều kiện không còn quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 31/5/2021 triển khai thực hiện Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Quyết định số 28/2021/QĐ-UBND ngày 17/11/2021 về việc ban hành quy định tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Đặc biệt, ngày 10/7/2023, UBND tỉnh có Quyết định số 1438/QĐ - UBND ban hành đề án Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đây là cơ sở quan trọng nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của văn phòng công chứng tại các địa phương để đảm bảo các tổ chức hành nghề công chứng phát triển ổn định, bền vững.
Theo thống kê, tính đến ngày 1/3/2024, toàn tỉnh có 8 tổ chức hành nghề công chứng, gồm 2 phòng công chứng và 6 văn phòng công chứng với tổng số 15 công chứng viên. Cụ thể, TP. Đông Hà có 1 phòng công chứng và 3 văn phòng công chứng; thị xã Quảng Trị, các huyện Vĩnh Linh và Hải Lăng mỗi địa phương có 1 văn phòng công chứng; huyện Hướng Hóa có 1 phòng công chứng. Việc thành lập các tổ chức hành nghề công chứng được kiểm soát chặt chẽ, giám sát kỹ điều kiện, tuân theo các tiêu chí để không phát triển tràn lan, ồ ạt.
Sau gần 10 năm triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014, hoạt động công chứng tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, lấy người dân làm “trung tâm” phục vụ. Các văn phòng công chứng được thành lập, củng cố và tiếp tục phát triển góp phần giảm áp lực cho các cơ quan hành chính nhà nước. Mặt khác, các phòng công chứng được chuyển đổi sang cơ chế tự chủ về tài chính cũng đã giảm bớt gánh nặng biên chế và ngân sách nhà nước, qua đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu xã hội hóa hoạt động công chứng.
Bên cạnh những kết quả tích cực, đến nay, một số quy định pháp luật về công chứng đã bộc lộ những hạn chế, không còn phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề bị bãi bỏ đã làm nảy sinh tình trạng tập trung nhiều tổ chức hành nghề công chứng tại khu vực đô thị hoặc khu trung tâm của huyện, thị xã, thành phố, dẫn đến một số địa bàn cấp huyện không có văn phòng công chứng hoạt động.
Đơn cử như hiện nay, tại địa bàn các huyện như Triệu Phong, Cam Lộ, Đakrông không có văn phòng công chứng, trong khi địa bàn TP. Đông Hà có đến 4 tổ chức hành nghề công chứng hoạt động. Thiệt thòi nhất là người dân ở các xã của huyện Đakrông phải di chuyển sang các địa phương khác với quãng đường khá xa để công chứng giấy tờ.
Thời gian qua, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội xem xét và thông qua Dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã quy định nguyên tắc phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bố dân cư, nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn cấp huyện dự kiến thành lập là phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đặt ra để bảo đảm cho dịch vụ công chứng phát triển ổn định, bền vững, bao phủ được toàn bộ địa bàn dân cư.
Trong khi chờ đợi dự thảo luật được thông qua, bên cạnh khuyến khích phát triển các tổ chức hành nghề công chứng để đáp ứng nhu cầu của xã hội, cần tăng cường biện pháp quản lý nhà nước để bảo đảm hiệu quả của hoạt động công quyền. Phát triển tổ chức hành nghề công chứng có kiểm soát, gắn với địa bàn dân cư, đáp ứng kịp thời yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức.
Thực hiện chặt chẽ việc thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng công chứng, cấp giấy đăng ký hoạt động, cho phép thay đổi địa chỉ trụ sở văn phòng công chứng từ địa bàn huyện này sang địa bàn huyện khác theo quy định của Luật Công chứng, các văn bản hướng dẫn thi hành.
Hạn chế thành lập văn phòng công chứng đối với địa bàn cấp huyện đã có nhiều tổ chức hành nghề công chứng hoạt động nhằm tránh tập trung quá nhiều tổ chức hành nghề công chứng trên cùng một địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động các tổ chức hành nghề công chứng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền các vấn đề sai phạm trong hoạt động công chứng.
Gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương trong việc kiểm soát phát triển tổ chức hành nghề công chứng. Tiếp tục chuẩn hóa quy trình, thủ tục công chứng cùng với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng, tiến tới thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch trên môi trường điện tử để tạo thuận tiện cho người dân.