Tăng cường quản lý, phân loại rác tại nguồn

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ chính thức thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, trong đó có chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH).

Tăng cường công tác truyền thông để lan tỏa mạnh mẽ chính sách về phân loại CTRSH đến cộng đồng

Tăng cường công tác truyền thông để lan tỏa mạnh mẽ chính sách về phân loại CTRSH đến cộng đồng

Theo ước tính, khối lượng chất thải phát sinh ở Việt Nam tăng gấp đôi trong chưa đầy 15 năm. Theo Ngân hàng Thế giới (2018), tổng lượng chất thải rắn năm 2015 ước tính khoảng hơn 27 triệu tấn. Với tốc độ phát sinh CTRSH dự báo là 8,4%/năm đối với khu vực đô thị, tổng lượng chất thải được ước tính sẽ tăng lên 54 triệu tấn vào năm 2030.

Thống kê lượng CTRSH phát sinh thời điểm cuối năm 2019 khoảng 23,6 triệu tấn, đến cuối năm 2023 phát sinh 24,5 triệu tấn. Về cơ sở và công nghệ xử lý hiện nay, toàn quốc có hơn 1.400 cơ sở xử lý CTRSH, trong đó có 7 cơ sở đốt CTRSH phát điện, 476 cơ sở đốt CTRSH không phát điện, 951 cơ sở chôn lấp CTRSH. Năm 2019 có 70% rác thải chôn lấp, con số này hiện đã giảm xuống còn khoảng 64%. Theo Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2030, toàn quốc giảm tỷ lệ CTRSH chôn lấp xuống còn dưới 30%. Đây là thách thức không hề nhỏ cho ngành Tài nguyên và Môi trường và các địa phương.

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH đưa ra nhận diện tối đa chủng loại CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường. Hướng dẫn đã nêu ra các lý do vì sao phải thực hiện phân loại chất thải rắn như:
- Lượng CTRSH phát sinh ngày càng lớn, gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên đất, làm tăng chi phí xử lý chất thải của cả Nhà nước và người dân.
- Phân loại CTRSH giúp giảm đi một lượng rác thải ra môi trường, giảm ô nhiễm, tiết kiệm nhiều khoản chi phí khác như thu gom, vận chuyển và xử lý.
- Mang lại nguồn kinh tế lớn từ các chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế. Chất thải thực phẩm được sử dụng làm phân bón, thức ăn chăn nuôi... Bên cạnh đó, Hướng dẫn cũng đã nhận diện và phân loại chi tiết CTRSH thành 3 nhóm:
+ Nhóm 1: Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế.
+ Nhóm 2: Chất thải thực phẩm.
+ Nhóm 3: CTRSH khác.
Ngoài ra, Hướng dẫn cũng đã nêu một số nội dung về chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc phân loại CTRSH.

Hiện nay, thu phí rác thải rắn theo khối lượng được nhiều nước tiên tiến trên thế giới thực hiện với mục đích làm giảm lượng rác thải. Để làm được điều này cần phải phân loại rác thải tại nguồn: Loại rác có thể tái sử dụng, rác không sử dụng được chiếm tỉ lệ nhỏ hoàn toàn có khả năng tính khối lượng. Đây chính là căn cứ để tính phí phải đóng cho người xả thải.

Theo ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số diễn ra ngày càng mạnh mẽ đã tạo ra áp lực lớn tới môi trường, trong đó có những áp lực, thách thức không nhỏ trong quản lý CTRSH. Việc kiểm soát, quản lý CTRSH còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe của người dân.

Để hướng dẫn, hỗ trợ triển khai hiệu quả công tác quản lý CTRSH, đặc biệt là công tác thu gom, vận chuyển, xử lý sau khi phân loại CTRSH tại địa phương theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT- BTNMT ngày 10/1/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó đã quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật đối với phương tiện vận chuyển, điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH, công nghệ xử lý CTRSH, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.

Cách phân loại rác thải

Cách phân loại rác thải

Đặc biệt, Bộ đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH tại Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 2/11/2023. Từ đó đến nay, Bộ cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tập trung triển khai chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc phân loại CTRSH; tăng cường mạnh mẽ công tác truyền thông, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam để lan tỏa mạnh mẽ chính sách về phân loại CTRSH đến cộng đồng.

Về phí thu gom rác, theo ông Thức, Cục đang triển khai hướng dẫn các địa phương. Hiện nay, một số địa phương đang giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc các công ty môi trường đô thị thành phố để tính toán. Đơn cử như Hà Nội đang tính toán làm sao để rác đáp ứng đủ công tác thu gom, vận chuyển, phí cho công tác này người dân phải chi trả. Với cách tính của Hà Nội, phí thu gom rác 1 người/tháng là khoảng 20 nghìn đồng.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về quản lý, thu phí CTRSH, cụ thể như sau: Điểm a khoản 1 Điều 72 yêu cầu về quản lý chất thải: Chất thải phải được quản lý trong toàn bộ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy. Khoản 7 Điều 79 quy định việc thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng được thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024. Bên cạnh đó, chính sách này được phản ánh tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường tại Điều 29 quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.

Luật Bảo vệ môi trường quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Trong trường hợp hộ gia đình không phân loại rác hoặc phân loại rác không đúng quy định thì phải trả phí cao hơn.

Để thực hiện tốt việc thu phí CTRSH cần sự chung tay của chính quyền địa phương cấp tỉnh. Cụ thể, tổ chức quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh, phân công, phân cấp trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn và phân cấp quản lý cho UBND các cấp về quản lý CTRSH theo quy định; ban hành các quy định cụ thể về quản lý CTRSH; các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích việc thu gom, vận chuyển và đầu tư cơ sở xử lý CTRSH phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tổ chức chỉ đạo lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch xử lý chất thải rắn, quy hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền; lập kế hoạch hàng năm cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH và bố trí kinh phí thực hiện phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng mức thu phí vệ sinh cho các đối tượng hộ gia đình, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tổ chức, trình HĐND cấp tỉnh quyết định; định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng về tình hình quản lý CTRSH trên địa bàn, thời điểm báo cáo trước ngày 31/3 của năm tiếp theo; tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý CTRSH; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn trên địa bàn.

Nâng cao ý thức của người dân để hoạt động phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả thiết thực

Nâng cao ý thức của người dân để hoạt động phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả thiết thực

Theo ông Thức, các địa phương cần tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm tăng cường thu gom, tái sử dụng, tái chế và thu hồi vật liệu từ sản phẩm thải bỏ; tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý CTRSH, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường của người dân; huy động mọi nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, xử lý chất thải.

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và vận hành cơ sở xử lý CTRSH; tăng dần nguồn thu từ tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải, đồng thời giảm dần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH; triển khai áp dụng giá dịch vụ xử lý CTRSH, có lộ trình điều chỉnh giá nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu về bù đắp chi phí quản lý vận hành và đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRSH.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH để phòng ngừa cũng như kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm, ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý CTRSH theo hướng giảm lượng CTRSH chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải.

PV

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/tang-cuong-quan-ly-phan-loai-rac-tai-nguon-183240920144550123.htm