Tăng cường quản lý tài nguyên nước

Ngày 24-3-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, thay thế Nghị định 33/2017/NĐ-CP, Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10-5-2020.

Nghị định quy định các hành vi vi phạm về điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; hồ chứa và vận hành hồ chứa; bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; về lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các vi phạm khác trong quản lý tài nguyên nước. Đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây: Cảnh cáo; phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân, 500 triệu đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức; tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1 đến 24 tháng.

Người dân xã Thắng Quân, Yên Sơn tận dụng diện tích mặt nước sông Lô nuôi trồng thủy sản.

Người dân xã Thắng Quân, Yên Sơn tận dụng diện tích mặt nước sông Lô nuôi trồng thủy sản.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau: Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1 đến 24 tháng. Đình chỉ hoạt động lập, thực hiện đề án, dự án về tài nguyên nước; đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước, thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1 đến 12 tháng. Tịch thu tang vật, mẫu vật là khoáng sản, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Đồng thời, các tổ chức cá nhân vi phạm phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn tỉnh đã có gần 250 công trình được cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước theo quy định của pháp luật; việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước (nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tiền thuế tài nguyên) được các cơ sở thực hiện tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, theo ông Trần Vũ Hưng, Phó trưởng phòng Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường), việc quản lý, khai thác bảo vệ, tài nguyên nước trên địa bàn vẫn tồn tại một số bất cập như: Việc đăng ký khai thác nước dưới đất chưa được quan tâm thực hiện; hoạt động hành nghề khoan nước dưới đất trái quy định của pháp luật còn diễn ra rất phổ biến (hành nghề khoan nước dưới đất chưa có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất theo quy định); việc khoan nước dưới đất không tuân thủ kỹ thuật làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm, suy giảm nguồn nước dưới đất; Việc giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa được các chủ công trình thực hiện đúng, đầy đủ theo quy định.

Qua rà soát, hiện còn gần 30 đơn vị, doanh nghiệp có các hoạt động khai thác tài nguyên nước, xả thải... chưa có giấy phép tài nguyên nước. Ngay sau khi Nghị định có hiệu lực, Sở Tài nguyên và môi trường đã có văn bản đôn đốc các đơn vị có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước chưa có giấy phép về tài nguyên nước xác định nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước của đơn vị, trường hợp phải có giấy phép khẩn trương nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép về tài nguyên nước, hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các dự án, công trình có kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải thực hiện đầy đủ thủ tục hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò (nếu khai thác nước dưới đất) và giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước trước khi hoạt động. Đồng thời, thực hiện quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định và báo cáo kết quả thực hiện việc lắp đặt thiết bị và phương án quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước đến Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ngành sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản trên địa bàn, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/khoa-hoc/moi-truong/tang-cuong-quan-ly-tai-nguyen-nuoc-133314.html