Tăng cường quản lý thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y
Hoạt động kinh doanh, thức ăn chăn nuôi (TACN), thuốc thú y (TTY) trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây phát triển mạnh. Vì vậy, bên cạnh công tác thông tin, tuyên truyền, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm bảo vệ quyền lợi người chăn nuôi, góp phần phát triển chăn nuôi an toàn, hiệu quả.
Cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi ở xã Quý Lộc (Yên Định).
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.231 cơ sở kinh doanh TACN, 524 cơ sở kinh doanh TTY, với các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chủng loại nên người chăn nuôi có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, việc lựa chọn, phân biệt TACN, TTY bảo đảm chất lượng là vấn đề không dễ với nhiều người chăn nuôi. Khi sử dụng TACN không bảo đảm chất lượng vật nuôi sẽ chậm lớn, tỷ lệ hao tổn thức ăn cao; đối với TTY kém chất lượng sẽ không có khả năng phòng, trị bệnh, có thể gây còi cọc, chết vật nuôi. Chia sẻ về việc sử dụng TACN, TTY, chị Trịnh Thị Thúy, thôn Yên Cư, xã Cẩm Vân (Cẩm Thủy), cho biết: “Trang trại chăn nuôi gà của gia đình tôi luôn duy trì tổng đàn gần 1.000 con; trong quá trình chăn nuôi, xác định thức ăn là yếu tố đầu vào vô cùng quan trọng, quyết định chất lượng, sản lượng trong chăn nuôi vì vậy, tôi luôn lựa chọn mua các sản phẩm TACN tại các cửa hàng uy tín đã được ngành chức năng cấp phép; không sử dụng các sản phẩm không có bao bì, nhãn mác...”.
Thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh TACN, TTY trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến rõ rệt, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở đã được nâng lên. Tuy nhiên, do chăn nuôi ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng TACN, TTY là rất lớn; vì vậy, không tránh khỏi việc một số gian thương cố tình kinh doanh các sản phẩm không bảo đảm chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng ngoài danh mục được phép lưu hành,... nhằm trục lợi. Bên cạnh đó, việc bảo quản không đúng hướng dẫn cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm. Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của TACN, TTY đối với sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, buôn bán, sử dụng TACN, TTY trên địa bàn. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin về nguy cơ tác hại của việc sử dụng TACN, TTY chất lượng kém và không đúng quy định; chỉ nên mua ở những cơ sở kinh doanh có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, có trong danh mục được phép lưu hành. Đi đôi với đó, công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng thực hiện và đã kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng TACN, TTY của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển TACN, TTY kém chất lượng. Tổ chức cho các chủ cơ sở ký cam kết không buôn bán, kinh doanh thuốc không nằm trong danh mục cho phép, chất cấm và thường xuyên rà soát, đánh giá, phân loại các cơ sở kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, cập nhật danh sách các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TACN, TTY; kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh TACN, TTY, chứng chỉ hành nghề thú y.
Cùng với sự quản lý của cơ quan chức năng thì những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh TACN, TTY trên địa bàn tỉnh cũng phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Đối với người chăn nuôi, cần lựa chọn các cơ sở kinh doanh TACN, TTY uy tín; đồng thời, nâng cao nhận thức, hạn chế việc lạm dụng các loại hóa chất, sử dụng TTY theo hướng dẫn của nhà sản xuất...