Tăng cường quản lý vật liệu nổ công nghiệp
Vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) là loại vật tư đặc biệt, có yêu cầu an toàn nghiêm ngặt do tiềm ẩn nhiều nguy cơ như cháy nổ, tai nạn, trật tự an toàn xã hội… Do vậy, công tác quản lý VLNCN, kiểm tra, giám sát các đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng VLNCN luôn được cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên, nghiêm túc.
Với số lượng khá lớn doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng và thi công công trình, nhu cầu sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Theo thống kê của Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 14 đơn vị sử dụng VLNCN phục vụ khai thác đá, thi công công trình và hủy nổ bom mìn, vật liệu chưa nổ sau chiến tranh vì mục đích nhân đạo. Bao gồm, 5 đơn vị nổ mìn theo hộ chiếu (vận chuyển VLNCN từ nhà cung ứng đến công trình, không xây dựng kho bảo quản VLNCN); 9 đơn vị có kho chứa VLNCN với tổng công suất kho 66 tấn.
Trong đó, có 5 đơn vị khai thác đá đang sử dụng kho cố định, 1 đơn vị thi công công trình đang sử dụng kho lưu động. Riêng đối với 3 tổ chức gồm dự án RENEW, dự án MAG và Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị hiện đang thuê kho của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh để bảo quản thuốc nổ và phụ kiện nổ với số lượng sử dụng khoảng 1 tấn thuốc nổ/ năm/tổ chức. Số lượng VLNCN các đơn vị đã sử dụng trong năm 2021 là hơn 370 tấn thuốc nổ công nghiệp, khoảng 370.000 kíp nổ và gần 245.000m dây cháy chậm, dây nổ, dây dẫn nổ các loại.
Thực hiện nghiêm công tác quản lý hoạt động sản xuất, sử dụng VLNCN, Sở Công thương đã tăng cường phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ và Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh tổ chức thẩm định và cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh.
Chỉ tính riêng trong năm 2021, đơn vị đã thụ lý hồ sơ và cấp giấy phép sử dụng VLNCN cho 6 đơn vị, gồm cấp mới 7 giấy phép và cấp lại 7 giấy phép; tiếp nhận thông báo sử dụng VLNCN của 3 đơn vị làm dịch vụ nổ mìn trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên kiểm tra các điểm nổ mìn và công tác đảm bảo an toàn khi khai thác mỏ, thi công công trình tại các đơn vị.
Qua kiểm tra, giám sát, các đơn vị đều sử dụng VLNCN đúng quy trình, mục đích, địa điểm và đảm bảo an toàn. Lập đầy đủ hộ chiếu nổ mìn. Hồ sơ, sổ sách theo dõi xuất, nhập VLNCN được ghi chép rõ ràng, đầy đủ thông tin. Đa số cán bộ, công nhân lao động làm việc liên quan đến VLNCN đã được đào tạo nghề thợ mìn; huấn luyện kỹ thuật an toàn sử dụng VLNCN, huấn luyện về an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy và đã được cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận theo quy định.
Về nổ mìn, ngoài việc lập phương án cụ thể, kiểm định máy móc thiết bị theo yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, các đơn vị còn không ngừng nâng cao công nghệ theo hướng giảm thiểu tác động tới môi trường. Trang bị bảo hộ lao động và các phương tiện phòng cháy chữa cháy đầy đủ. Chính vì vậy, trong những năm qua, việc sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh luôn đảm bảo an toàn, chưa để xảy ra tình trạng thất thoát, tai nạn hay sự cố đáng tiếc.
Đặc biệt, để hạn chế tối đa các vụ thất thoát, mất VLNCN, Sở Công thương đã yêu cầu các đơn vị sử dụng kho bảo quản VLNCN nghiêm túc thực hiện các biện pháp an toàn đối với kho VLNCN như: Đổ bê tông (mác 200) bao quanh tường nhà kho, có chiều cao áp trần, chiều dày tối thiểu 20 cm; khuyến khích các đơn vị lắp camera giám sát toàn bộ kho; khuyến khích chuyển sang thực hiện nổ mìn bằng hộ chiếu. Nhờ đó, việc quản lý, sử dụng VLNCN đã đi vào quy củ, đảm bảo việc khai thác đúng quy trình, quy chuẩn và đạt hiệu quả cao. Không để xảy ra thất thoát, mất VLNCN.
Giám đốc Sở Công thương Lê Tiến Dũng cho biết, khó khăn nhất hiện nay trong việc quản lý VLNCN là việc một số đơn vị thi công công trình được Bộ Công thương cấp giấy phép sử dụng VLNCN và giấy phép dịch vụ nổ mìn, Bộ Quốc phòng cấp giấy phép sử dụng VLNCN chỉ cần thông báo bằng văn bản với UBND cấp tỉnh, thành phố trước khi tiến hành nổ mìn.
Các đơn vị này thường thực hiện nổ mìn trong thời gian ngắn, trong khi theo quy định hiện nay thì cơ quan chức năng chỉ được tiến hành hậu kiểm 1 lần/năm/đơn vị nên nếu các đơn vị trên sử dụng VLNCN vào đầu năm hoặc sau đợt kiểm tra định kỳ 6 tháng thì cơ quan chức năng phải đợi đến đợt kiểm tra sau mới được tiến hành hậu kiểm. Trong khi đó các đơn vị này vẫn tiến hành nổ mìn nhưng cơ quan chức năng không đánh giá, kiểm soát được những vấn đề an toàn, an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy. Dễ dẫn đến nguy cơ gây tai nạn, mất an toàn, an ninh trật tự; tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, mất trộm VLNCN và địa phương phải chịu trách nhiệm.
Theo ông Dũng, để siết chặt quản lý VLNCN, Sở Công thương đã xây dựng phương án phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho các tổ chức, cá nhân và người dân trên địa bàn tỉnh về việc phòng, chống cháy nổ, sử dụng VLNCN. Tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an toàn trong hoạt động vận chuyển, bảo quản, sử dụng VLNCN.
Kịp thời phát hiện, hướng dẫn khắc phục, xử lý nghiêm những tồn tại, vi phạm; đảm bảo tính thực thi của pháp luật. Định kỳ tổ chức các lớp huấn luyện kỹ thuật chuyên ngành về công tác an toàn cho các đối tượng quản lý, người lao động liên quan đến hoạt động VLNCN tại các doanh nghiệp.
Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng phương án, triển khai các kế hoạch đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là kế hoạch ứng cứu khẩn cấp, báo cáo đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn; đổi mới công tác quản lý, thường xuyên duy tu, sửa chữa, nâng cấp, đồng bộ trang thiết bị. Tổ chức đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tổ chức huấn luyện an toàn; bổ nhiệm, sắp xếp công việc phù hợp với từng vị trí, chuyên môn, đặc biệt là cán bộ chuyên trách về VLNCN. Qua đó hạn chế đến mức thấp nhất việc xảy ra tai nạn, sự cố, thất thoát VLNCN gây mất an toàn, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.