Tăng cường quản lý vùng nuôi thủy sản

Người nuôi tôm ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch (TX Đông Hòa) đang thu hoạch tôm nuôi. Ảnh: ANH NGỌC

Năm 2021, tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi ở Phú Yên cơ bản ổn định, số diện tích thủy sản nuôi bị bệnh cũng giảm hơn so với các năm trước. Để nuôi trồng thủy sản nước lợ năm 2022 thành công, Sở NN-PTNT đã xây dựng kế hoạch lịch thời vụ cho từng đối tượng nuôi, các địa phương thì tăng cường công tác quản lý tại các vùng nuôi.

Đầu tư cầm chừng

Năm 2021, hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh ổn định, dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản nuôi ít xảy ra và giảm nhiều so với các năm trước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên tình hình tiêu thụ và xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn, nhiều hộ nuôi thủy sản ao đìa không có lãi.

Ông Trần Minh Chánh, người nuôi tôm ở phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa), cho biết: Năm 2021, gia đình tôi thả nuôi 3 vụ tôm thẻ chân trắng trên diện tích hơn 1,2ha. Mặc dù dịch bệnh trên tôm nuôi không xảy ra nhưng tôm phát triển rất chậm, có thể do ảnh hưởng thời tiết. Khó khăn nhất trong năm vừa qua là dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, sản phẩm tôm nuôi khi tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, thậm chí không có thương lái đến mua. Nhiều hộ nuôi tôm ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch chỉ đầu tư cầm chừng, giảm lượng thức ăn cho tôm và cắt giảm các khoản chi phí khác nên tôm nuôi không phát triển. Riêng gia đình tôi, cả 3 vụ nuôi năm vừa qua, trừ các khoản chi phí còn lãi khoảng 30 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Bút, người nuôi tôm ở xã Hòa Tâm (TX Đông Hòa), thì cho hay: Năm 2021, gia đình tôi nuôi 3 hồ tôm thẻ chân trắng với diện tích khoảng 1,8ha. Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, tôm nuôi chỉ tiêu thụ nội địa nên giá bán tôm không cao. Hiện nay, giá tôm thẻ chân trắng đã tăng lên khoảng 100.000 đồng/kg loại 100 con/kg, nếu duy trì ở mức giá này và tôm nuôi không bị dịch bệnh thì người nuôi sẽ có lãi. Năm nay, gia đình tôi tiếp tục thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 3 hồ nuôi này. Hiện gia đình đã thuê nhân công cải tạo các hồ nuôi, chờ thời tiết thuận lợi, dự kiến sau Tết Nguyên đán sẽ thả giống.

Theo ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT), năm qua, dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản nuôi ít xảy ra và giảm khoảng 51% so với năm trước. Công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi và giám sát dịch bệnh thủy sản được thực hiện tương đối tốt, các ngành chức năng và địa phương thường xuyên hướng dẫn ngư dân biện pháp xử lý môi trường, phòng trị bệnh và chăm sóc thủy sản nuôi. Năm 2021, tổng diện tích NTTS trên địa bàn tỉnh khoảng 2.650ha (tăng 0,3% so với năm 2020), trong đó nuôi tôm nước lợ hơn 2.110ha. Sản lượng NTTS năm 2021 khoảng 14.110 tấn, trong đó sản lượng tôm nước lợ khoảng 9.700 tấn, còn lại là các loại thủy sản nuôi khác.

Người nuôi tôm ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch (TX Đông Hòa) đang cải tạo, xử lý hồ nuôi. Ảnh: ANH NGỌC

Người nuôi tôm ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch (TX Đông Hòa) đang cải tạo, xử lý hồ nuôi. Ảnh: ANH NGỌC

Cần tuân thủ lịch thời vụ

Lịch thời vụ NTTS năm nay đối với nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, thả giống từ tháng 2-8/2022. Các cơ sở nuôi thâm canh, nuôi công nghệ cao, có hạ tầng cơ sở nuôi đảm bảo, không bị ảnh hưởng bởi mưa, lụt bão có thể thả giống quanh năm. Nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, mật độ nuôi từ 5-20 con PL15/m2 đối với tôm sú và 15-60 con PL12/m2 đối với tôm thẻ chân trắng. Có thể nuôi luân canh các đối tượng khác như cá rô phi, cá măng, hải sâm, cua biển, rong biển hoặc nuôi ghép tôm nước lợ với một số đối tượng khác để giảm ô nhiễm hữu cơ, hạn chế dịch bệnh. Nuôi bán thâm canh, thâm canh, nuôi công nghệ cao, mật độ hơn 20 con PL15/m2 đối với tôm sú, hơn 60 con PL12/m2 đối với tôm thẻ chân trắng. Sau khi kết thúc vụ nuôi tôm nước lợ, thời gian còn lại, tùy theo điều kiện cơ sở vật chất ao, đìa, thời tiết… người nuôi có thể nuôi một số đối tượng khác để tăng thu nhập.

Thời gian qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ NTTS trên địa bàn tỉnh theo hướng VietGAP và tương đương đối với các sản phẩm chủ lực thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm) chưa có nhiều chuyển biến. Trừ một số vùng nuôi được đầu tư theo dự án, phần lớn cơ sở NTTS của tỉnh được hình thành từ lâu, mang tính tự phát nên cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được các chỉ tiêu đối với nuôi thương phẩm. Chưa có giải pháp xử lý căn cơ tình trạng nuôi thủy sản bị chết khi đến mùa mưa bão, gây thiệt hại lớn cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND TX Đông Hòa, cho biết: Năm 2022, dự kiến diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn thị xã khoảng 945ha, sản lượng khoảng 4.945 tấn. Để nuôi mới đạt kết quả cao, UBND TX Đông Hòa đã chỉ đạo các địa phương có NTTS triển khai lịch thời vụ thả nuôi, mật độ nuôi phù hợp trên cơ sở lịch thời vụ của tỉnh. Địa phương đang xây dựng và kiện toàn tổ phòng chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi, bố trí kinh phí nạo vét kênh mương các vùng nuôi. Ngoài ra, địa phương cũng đang xây dựng, thành lập tổ quản lý cộng đồng theo từng tiểu vùng nuôi để từng bước thực hiện quản lý vùng nuôi theo quy chế quản lý vùng nuôi tôm tập trung. TX Đông Hòa tiếp tục đề xuất tỉnh thực hiện quy hoạch chi tiết vùng NTTS tại vùng hạ lưu sông Bàn Thạch, tăng cường kiểm tra quản lý con giống, thức ăn tôm và thuốc phòng trị bệnh tôm, tăng cường công tác kiểm tra cảnh báo môi trường và dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản triển khai Luật Thủy sản và các quy định liên quan trong NTTS, hướng dẫn các địa phương đăng ký NTTS lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực cho các hộ nuôi, cấp phép NTTS, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện theo quy định. Kiểm tra việc thực hiện điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh; điều kiện sản xuất, kinh doanh thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường trong NTTS trên địa bàn tỉnh. Xử lý các cơ sở vi phạm các quy định về điều kiện sản xuất, không có báo cáo sản xuất. Phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo diễn biến môi trường các vùng nuôi, khuyến cáo các giải pháp xử lý phù hợp. Phối hợp địa phương, các đơn vị liên quan khắc phục sự cố môi trường tại các vùng NTTS. Đối với các địa phương có NTTS, cần thông báo khung lịch thời vụ đến từng chủ cơ sở nuôi, từng vùng nuôi; triển khai cho các hộ gia đình, cá nhân NTTS tiến hành kê khai, đăng ký ngay từ đầu vụ nuôi; hướng dẫn các cơ sở NTTS thực hiện đăng ký, ký bản cam kết sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm theo quy định.

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT yêu cầu các hộ NTTS trên địa bàn tỉnh cần thực hiện đúng khung lịch thời vụ, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi phù hợp, đăng ký và kê khai NTTS ban đầu khi thả giống mới. Khi phát hiện thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị nhiễm bệnh, người nuôi cần báo cáo cho chính quyền địa phương hoặc trạm chăn nuôi và thú y biết để có biện pháp xử lý kịp thời, tuyệt đối không xả nước, chất thải chưa qua xử lý hoặc xác thủy sản chết, bị bệnh ra môi trường. Khuyến khích các hộ nuôi trong cùng một vùng tổ chức sản xuất theo tổ cộng đồng, áp dụng các quy trình thực hành nuôi tốt, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và an toàn vùng nuôi.

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/270039/tang-cuong-quan-ly-vung-nuoi-thuy-san.html