Tăng cường sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng đến năm 2030
Các chuyên gia nhận định, để phát hiện ung thư cổ tử cung và ung thư vú thì việc sàng lọc phát hiện sớm là việc làm không thể thiếu.
GS.TS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ung thư vú và ung thư cổ tử cung là các bệnh hay gặp ở nữ giới. Trước kia, khi mắc hai loại ung thư này, tỷ lệ tử vong rất cao.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhờ sự phát triển của khoa học và công nghệ, đã có nhiều phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả ung thư ra đời. Điều này giúp tỷ lệ phát hiện sớm hai loại ung thư nói trên đã tăng lên đáng kể. Nhiều bệnh nhân được chữa khỏi hoàn toàn và trở về cuộc sống bình thường.
Theo GS.TS Mai Trọng Khoa, muốn điều trị có kết quả, thậm chí là chữa khỏi ung thư vú, ung thư cổ tử cung, điều quan trọng nhất là bệnh cần phải được phát hiện sớm. Nếu được phát hiện sớm thì nhiều bệnh nhân khỏi hoàn toàn. Trong đó, để phát hiện ung thư cổ tử cung và ung thư vú thì việc sàng lọc phát hiện sớm là việc làm không thể thiếu.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc sàng lọc, phát hiện sớm bệnh ung thư, nhất là ung thư vú và ung thư cổ tử cung, ngày 25/2/2019, Bộ Y tế đã có Quyết định số 718/QĐ-BYT phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản đến năm 2030 (Đề án 818 mở rộng), trong đó, mở rộng chú trọng về dự phòng, sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng.
Tiếp đó, ngày 16/8/2019, Bộ Y tế đã có Quyết định 3619/QĐ-BYT Phê duyệt Dự án thử nghiệm mô hình xã hội hóa cung cấp sản phẩm, dịch vụ dự phòng và sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng đến năm 2030. Sau đó, ban hành Hướng dẫn hoạt động dự phòng, sàng lọc, phát hiện sớm và quản lý ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng thuộc Đề án 818 đến năm 2030.
ThS.BS Phạm Hồng Quân, Giám đốc Ban Quản lý Đề án 818 (Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế) – đơn vị trực tiếp thực hiện Dự án thử nghiệm cho biết, mục tiêu của Dự án là tăng khả năng tiếp cận sản phẩm và dịch vụ dự phòng sàng lọc, phát hiện ung thư vú và ung thư cổ tử cung tại cộng đồng theo phương thức xã hội hóa; huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, góp phần giảm nhanh gánh nặng ngân sách nhà nước.
Theo ThS.BS Phạm Hồng Quân, các chỉ báo cần đạt được đến năm 2025 tại địa bàn triển khai Dự án thử nghiệm như: Ít nhất 90% người dân có nhu cầu được cung cấp kiến thức về nguy cơ và dự phòng ung thư vú, ung thư cổ tử cung; ít nhất 30% số phụ nữ trên 40 tuổi có nhu cầu được tư vấn, cung cấp sản phẩm và dịch vụ sàng lọc, dự phòng ung thư vú phù hợp với khả năng chi trả theo phân khúc thị trường và ít nhất 30% phụ nữ từ 30-54 tuổi có nhu cầu được tư vấn, cung cấp sản phẩm và dịch vụ sàng lọc, dự phòng ung thư cổ tử cung phù hợp với khả năng chi trả theo phân khúc thị trường.
Để thực hiện các mục tiêu trên, trong năm 2020, Ban Quản lý Đề án 818 đã tiến hành thử nghiệm huy động các cơ sở y tế tham gia vào hoạt động của Đề án Tiếp tục triển khai "Thử nghiệm mô hình xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại các cơ sở y tế đủ điều kiện giai đoạn 2019-2020" với nội dung mới về phòng chống nhiễm khuẩn, sức khỏe tỉnh dục, sàng lọc ung vú, ung thư cổ tử cung theo Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng Đề án 818 đến năm 2030.
Cùng với đó, xây dựng hệ thống cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS theo phân khúc thị trường tại 5 tỉnh là: Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Kon Tum, Hậu Giang, trong đó, đặc biệt chú trọng hệ thống tổ chức cung ứng dịch vụ về dự phòng, sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng.
Ngày 19/3/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định 1639/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu bổ sung Hướng dẫn hoạt động dự phòng, sàng lọc, phát hiện sớm và quản lý ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng thuộc Đề án 818 đến năm 2030.