Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh
Đồng chí NGÔ VĂN TUẤN, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh vừa ký ban hành Chỉ thị số 21 - CT/TU, ngày 28/2/2022 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng (NCCVCM) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Thời gian qua, công tác NCCVCM đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đời sống của gia đình NCCVCM không ngừng được cải thiện; tính đến hết năm 2021 toàn tỉnh có 100% số xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC; trên 99,5% hộ gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân trên cùng địa bàn cư trú; các chính sách ưu đãi được thực hiện đầy đủ, kịp thời, không để xảy ra sai phạm, tiêu cực, không có hồ sơ tồn đọng chưa được xem xét, giải quyết; các phong trào tình nghĩa, xã hội hóa chăm sóc người có công được đẩy mạnh và nhân rộng ở nhiều địa phương, được xã hội đồng tình, hưởng ứng; nhiều công trình ghi công liệt sĩ được cải tạo, nâng cấp và xây mới cả ở trong và ngoài tỉnh; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực... Các hoạt động đó có tác dụng sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, khơi dậy lòng yêu nước, truyền thống cách mạng Việt Nam của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, yếu kém, đó là: Số liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt hoặc chưa xác định được danh tính còn nhiều; việc phối hợp giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội, nắm thông tin liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh gặp khó khăn; nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi NCCVCM còn ít; công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ở một số nơi chưa thường xuyên và hiệu quả; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý Nhà nước còn hạn chế. Một số hộ gia đình NCCVCM còn thuộc diện nghèo, cận nghèo, đời sống còn khó khăn, thiếu đất sản xuất và vốn để phát triển kinh tế...
Để tiếp tục phát huy truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy lòng yêu nước, truyền thống cách mạng của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, BTV Tỉnh ủy yêu các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thời gian tới thực hiện tốt công tác NCCVCM, tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Tăng cường sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc quyết liệt của các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan liên quan nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong việc thực hiện công tác NCCVCM. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của ban chỉ đạo các cấp trong quản lý, điều hành; kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách có đầy đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn. Xây dựng và ban hành các văn bản quy định về quy chế làm việc; quy chế quản lý các công trình ghi công liệt sĩ; sửa đổi và bổ sung quy định về chế độ thăm hỏi, tặng quà đối với NCC và gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh phù hợp với điều kiện KT-XH của tỉnh trong giai đoạn mới.
- Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi NCCVCM, ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định số 131/2001/NĐ-CP, ngày 30/12/2021 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Pháp lệnh và các văn bản của Bộ, ngành Trung ương đảm bảo NCCVCM được thụ hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi theo quy định, có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao hơn mức sống trung bình so với dân cư trên cùng địa bàn cư trú. Tập trung lãnh đạo: Hằng năm, có kế hoạch cụ thể của tỉnh triển khai các hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ; tổ chức Hội nghị biểu dương NCC tiêu biểu; các tổ chức, cá nhân và xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và NCC; xét chọn đại biểu NCC tiêu biểu của tỉnh tham dự hội nghị biểu dương NCC toàn quốc. Tổ chức Đoàn cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh thăm, viếng Nghĩa trang liệt sĩ Hòa Bình tại nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn và Đoàn đại biểu NCC của tỉnh đi thăm chiến trường xưa phù hợp tình hình thực tế. Tiếp tục bố trí kinh phí, huy động nguồn lực cho công tác xây dựng, tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ. Rà soát NCC còn khó khăn, nắm bắt kịp thời về thực trạng nhà ở của NCC để có kế hoạch hỗ trợ cụ thể; phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ gia đình NCC thuộc diện nghèo. Hoàn thiện đề án số hóa hồ sơ NCC để đưa vào khai thác, sử dụng trong năm 2022; xây dựng, cải tạo, đầu tư nâng cấp cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng NCCVCM của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Đề án quy hoạch của Bộ LĐ-TB&XH. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sự đóng góp hỗ trợ của cộng đồng xã hội để thực hiện tốt chính sách đối với NCCVCM (Xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, chăm sóc thương bệnh binh nặng, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ NCC có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa). Đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả triển khai công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin theo Quyết định số 1515/QĐ-TTg, ngày 14/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ đang quản lý; biên soạn, xuất bản cuốn sách thông tin về liệt sĩ tỉnh Hòa Bình phục vụ công tác quản lý và tra cứu của Nhân dân được thuận lợi, kịp thời. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công và thân nhân NCCVCM ở địa phương. Phát hiện, kiên quyết xử lý kịp thời những vi phạm, tiêu cực trong việc xác nhận, thực hiện chế độ ưu đãi người có công theo quy định của pháp luật, giải quyết những vấn đề vướng mắc còn tồn đọng trong việc thực hiện chính sách đối với NCCVCM. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ công mức độ 3, 4 giúp cho các đối tượng chính sách nhanh chóng được tiếp cận và thụ hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước. Theo dõi kiểm tra, đôn đốc và tổ chức việc thực hiện Chỉ thị, tham mưu sơ kết, tổng kết báo cáo BTV Tỉnh ủy theo quy định.
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy lãnh đạo các cơ quan thông tin, truyền thông xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, tạo sự thống nhất, liên tục trong công tác thông tin tuyên truyền trong Nhân dân; nâng cao chất lượng tuyên truyền về chính sách, pháp luật đối với NCCVCM, nâng cao hiểu biết và kết nối nguyện vọng của người dân với chính quyền, để người dân thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, cấp ủy, chính quyền, MTTQ các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị; căn cứ chức năng nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình và nội dung Chỉ thị này chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể.
- Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện Chỉ thị này, báo cáo BTV Tỉnh ủy kết quả kiểm tra, giám sát theo quy định.