Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngàỵ 18.11.2021 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 51/KH-TU ngày 1.12.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 13 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22.10.2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Xét xử một vụ án xảy ra tại Tây Ninh.

Xét xử một vụ án xảy ra tại Tây Ninh.

Kế hoạch nêu rõ việc triển khai Kế hoạch số 51/KH-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 13-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, đạt mục đích, yêu cầu đề ra.

Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm; tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, lực lượng và địa phương với các tỉnh, thành phố giáp ranh và lực lượng chức năng của các tỉnh Campuchia giáp biên trong phòng, chống tội phạm.

Cụ thể, kế hoạch đề ra các ngành, các địa phương phải chủ động phòng ngừa, tiếp tục làm giảm tội phạm, năm sau giảm hơn so với năm trước; giảm tỷ lệ tái phạm tội; giảm ít nhất 5% tội phạm xâm hại trẻ em so với giai đoạn 2016-2020. Tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm hằng năm đạt trên 75%; các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số vụ án khởi tố.

Bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đều được tiếp nhận, phân loại, xử lý; tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Truy tố đúng thời hạn trên 90% số vụ án hình sự đã có kết luận điều tra đề nghị truy tố, bảo đảm truy tố bị can đúng tội đạt trên 95%. Nâng cao chất lượng xét xử, tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt trên 88% và tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Kế hoạch của UBND tỉnh nêu rõ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng, tiêu cực, nâng tỷ lệ giải quyết và kết thúc điều tra các vụ án tham nhũng năm sau cao hơn năm trước; nâng tỷ lệ thu hồi, kê biên, phong tỏa tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng đạt trên 60%; bảo đảm 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đều được chuyển ngay đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tập trung thực hiện hiệu quả công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, phấn đấu tỷ lệ chuyển hóa thành công hằng năm đạt từ 60% trở lên; 85% các địa bàn đã chuyển hóa thành công không tái phức tạp trở lại.

Kế hoạch cũng đưa ra nhiệm vụ và giải pháp là phải nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tội phạm. Trong đó, cần phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên; sự lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự.

Đồng thời kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để tội phạm tăng, phức tạp, lộng hành, kéo dài nhưng không có biện pháp giải quyết kịp thời, triệt để, gây bức xúc trong nhân dân. Khuyến khích, bảo vệ đối với các cá nhân dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo trong công tác phòng, chống tội phạm.

UBND tỉnh yêu cầu, phải chủ động phòng ngừa tội phạm, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, phòng ngừa tù sớm, từ xa, từ cơ sở là chính, lấy cơ sở là địa bàn trọng tâm nhằm kéo giảm bền vững các loại tội phạm và giảm tỷ lệ phạm tội lần đầu.

Đồng thời tổ chức tốt những vấn đề an sinh xã hội, an dân, có giải pháp cụ thể ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt đối với các nhóm đối tượng bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid- 19; các vấn đề xã hội là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò các tổ hòa giải, các tổ chức chính trị - xã hội, kịp thời phát hiện, giải quyết các mâu thuẫn, xung đột, nhất là vấn đề liên quan đến đât đai, môi trường, không để phát sinh vụ việc phức tạp hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự, xây dựng thể trận lòng dân.

Cần tổ chức rà soát, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, không để tội phạm lợi dụng các chủ trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội và phòng, chống dịch bệnh để trục lợi, vi phạm pháp luật.

Đồng thời tăng cường phối hợp quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ cao phạm tội hoặc tái phạm tội như người sử dụng trái phép chất ma túy, đối tượng “ngáo đá”, người bị áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc, số mới được đặc xá, tha tù và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa nghiệp vụ của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm thuộc lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng, Hải quan, Kiểm Lâm...

Kế hoạch cũng nêu rõ các ngành các cấp cần tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm và đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tấn công trấn áp, điều tra, xử lý tội phạm như: tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả 15 đề án thuộc chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030; các chỉ đạo của Trung ương về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm giết người,...

UBND tỉnh yêu cầu ngành chức năng, chủ động, thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tập trung đấu tranh mạnh với tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để hoạt động, tội phạm về ma túy, xâm hại phụ nữ, trẻ em, tội phạm trên không gian mạng, tội phạm về môi trường, tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng, kinh doanh đa cấp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, dung túng, tiếp tay cho tội phạm và vi phạm pháp luật.

Đồng thời tổ chức tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo đúng quy định của pháp luật cũng như tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố và nâng cao chất lượng công tác điều tra, đẩy mạnh tiến độ điều tra các vụ án hình sự, nhất là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, những vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp chống oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, nghiêm cấm bức cung, dùng nhục hình và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.

Hữu Đức

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-doi-voi-cong-tac-phong-chong-toi-pham-trong-tinh-hinh-moi--a144437.html