Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân - ghi nhận từ Hải Phòng - Bài 2: Chú trọng thực hiện các hoạt động giám sát, nâng cao vai trò của cấp ủy
Giám sát là một trong những chức năng cơ bản của Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp. Phạm vi giám sát của HĐND toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, các mặt công tác. Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu kinh tế - xã hội, một trong những giải pháp được Hải Phòng chú trọng thực hiện là nâng cao vai trò của cấp ủy, sự lãnh đạo của Đảng trong các hoạt động giám sát tại địa phương…
Nâng cao nhận thức, vai trò của HĐND
Trong những năm gần đây, việc triển khai, thực hiện các Nghị quyết của HĐND TP Hải Phòng được quan tâm, chú trọng. Nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy mạnh mẽ vai trò của HĐND TP, các Trưởng ban HĐND TP đều là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hải Phòng.
Việc các Trưởng ban HĐND TP là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP chính là nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động của HĐND TP Hải Phòng. Hướng đến tăng cường hoạt động giám sát, hoạt động chuyên trách đối với đại biểu HĐND, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hải Phòng đề nghị cấp ủy đảng cần đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, tạo điều kiện cho đại biểu HĐND ngày càng có điều kiện thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ HĐND, đại biểu của Nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương…
Hàng năm thường trực HĐND TP Hải Phòng đều xây dựng Chương trình công tác và báo cáo Ban Thường trực Thành ủy, trong đó, có các nội dung giám sát và phân công các Ban, có hoạt động giám sát của thường trực, của Hội đồng, giám sát của các Ban HĐND, giám sát của các tổ đại biểu. Công tác giám sát của HĐND TP được diễn ra thường xuyên, rộng khắp trên các lĩnh vực và giải quyết được từng bước những nội dung phản ánh về việc triển khai các quy định pháp luật, thực hiện các Nghị quyết hay những ý kiến phản ánh, bức xúc của các cử tri, để từ đó, có những kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết các kết quả giám sát.
Trong đó, hoạt động giám sát của đại biểu HĐND, của HĐND gắn với hoạt động kiểm tra của cấp ủy Đảng; giải quyết mối quan hệ “hai trong một” giữa vị trí, vai trò của đảng viên trong cơ quan đảng, cơ quan chính quyền, đoàn thể với vai trò đại biểu HĐND kiêm nhiệm trong hoạt động giám sát khi vừa là đối tượng giám sát, vừa là chủ thể giám sát. Cấp ủy đảng với HĐND cùng cấp tập trung sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng thực hiện các Nghị quyết của HĐND, giải quyết những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, của cử tri tại các cuộc tiếp xúc với Nhân dân trước và sau các Kỳ họp Quốc hội, HĐND TP…
Bên cạnh đó, hàng năm, Thành ủy Hải Phòng cũng đề nghị HĐND TP xây dựng, thực hiện các Kế hoạch giám sát chuyên đề các nội dung thu nộp ngân sách, đầu tư công, chỉnh trang đô thị; bảo vệ, khai thác tài nguyên khoáng sản; xử lý ô nhiễm môi trường trong các khu, cụm công nghiệp... Qua đó có cơ sở đánh giá việc thực hiện các chủ trương, chính sách của TP, Nghị quyết của HĐND được ban hành, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành kinh tế - xã hội. Hoạt động giám sát cũng nhằm kịp thời phát hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề xã hội thuộc chức năng, nhiệm vụ của các ngành, của cấp chính quyền.
Với nỗ lực chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, Thường trực HĐND TP Hải Phòng đang tập trung triển khai phần mềm theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện các nghị quyết của HĐND TP, hướng đến mục tiêu 100% Nghị quyết của HĐND TP được theo dõi, giám sát quá trình thực hiện trên môi trường điện tử; đánh giá, mở rộng quá trình theo dõi, giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND TP đến toàn bộ cử tri và Nhân dân. Cấp ủy Đảng cũng thông qua các đảng viên là đại biểu HĐND để phổ biến, tuyên truyền, thuyết phục đại biểu HĐND về các chủ trương, chính sách, các giải pháp của cấp ủy về phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Nhờ sự đồng thuận cao giữa các cấp ủy, HĐND TP và chính quyền cùng cấp, thời gian qua, hoạt động đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thành phố… hầu hết được Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Một số dự án phát sinh đơn thư khiếu nại, cấp ủy đảng, HĐND và Ủy ban nhân dân (UBND) TP đã phối hợp cùng các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị nghề nghiệp cùng tham gia giải quyết kiến nghị của cử tri.
Trong nhiều năm qua, Hải Phòng không phải thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất đối với những diện tích đất phải thu hồi để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các dự án được triển khai minh bạch và được thông tin đầy đủ đến người dân…
Đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hoạt động HĐND các cấp
Ghi nhận về sự đổi mới phương thức lãnh đạo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu chia sẻ, Thành ủy đã chỉ đạo lãnh đạo HĐND và UBND TP quan tâm đến việc xem xét, giải quyết các kiến nghị sau giám sát, các ý kiến, kiến nghị của cử tri; việc thực hiện các cam kết của Chủ tịch UBND TP và các cam kết của lãnh đạo ngành, lãnh đạo các cấp chính quyền trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, Thường trực HĐND TP cũng triển khai rà soát các quy chế, quy trình, quy định và văn bản hướng dẫn hoạt động của HĐND để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, thay thế các quy định mới cho phù hợp và điều kiện thực tế của từng địa phương.
Thành ủy Hải Phòng chỉ đạo Thường trực HĐND TP đổi mới việc điều hành các Kỳ họp theo hướng giảm đọc các văn bản báo cáo, tăng thời gian chất vấn, thảo luận, giải trình trực tiếp các nội dung quan trọng tại Kỳ họp nhằm phát huy trí tuệ tập thể và vai trò của các đại biểu nhân dân, các sở, ngành chuyên môn của UBND TP trong việc tiếp thu, báo cáo giải trình các vấn đề liên quan, tạo sự đồng tình, thống nhất cao trước khi thông qua các Nghị quyết. Thành ủy Hải Phòng cũng đề nghị Đảng đoàn HĐND, Thường trực HĐND chỉ đạo các Ban của HĐND thực hiện hoạt động thẩm tra, bảo đảm chất lượng các dự thảo nghị quyết trình tại các kỳ họp.
“Việc đổi mới phương thức lãnh đạo HĐND TP Hải Phòng trong thời gian qua đã góp phần nâng cao trách nhiệm các cấp, các ngành trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của HĐND TP, góp phần quan trọng trong việc thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội TP Hải Phòng, một cực tăng trưởng kinh tế trọng điểm của phía Bắc và cả nước”, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu nhấn mạnh.
Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng, nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo căn cứ pháp lý để chủ trương, chính sách của Đảng đi vào cuộc sống, mở ra cơ hội mới, động lực quan trọng cho sự phát triển của TP Hải Phòng trong giai đoạn mới. Các cơ chế, chính sách đặc thù được thông qua đã tạo tiền đề quan trọng để TP Hải Phòng phát triển kinh tế bứt phá, trở thành động lực tăng trưởng của cả nước, lan tỏa cả vùng miền.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, cùng với sự quan tâm, hướng dẫn kịp thời của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự gắn bó chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; ngay từ đầu nhiệm kỳ, HĐND, Thường trực HĐND TP Hải Phòng luôn đồng hành với UBND TP, chính quyền địa phương các cấp với tinh thần đổi mới, quyết liệt. Trên cơ sở đó, HĐND TP Hải Phòng hoạt động ngày càng hiệu quả, đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện.
(Còn tiếp)