Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong khuyến học, khuyến tài ở Đakrông
Ngày 13/4/2007, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW 'Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập'. Sau 15 năm triển khai thực hiện, công tác khuyến học, khuyến tài (KHKT) trên địa bàn huyện Đakrông đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Để thực hiện hiệu quả chỉ thị, công tác tuyên truyền, giáo dục trong Đảng và Nhân dân được huyện Đakrông đẩy mạnh thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của công tác KHKT, xây dựng xã hội học tập (XHHT) luôn được quan tâm chỉ đạo đến từng cơ quan, ban ngành, đoàn thể và Nhân dân trên địa bàn thông qua các hoạt động lồng ghép việc thực hiện Đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2012 - 2020 của Chính phủ với Nghị định số 20/2014/NĐ-CP về phổ cập giáo dục xóa mù chữ, phổ cập giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập THCS cũng như trong các hoạt động liên quan.
Địa phương cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong nhà trường, trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư; thông qua các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, mạng xã hội; thông qua các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của công tác KHKT, xây dựng XHHT. Tổ chức tuyên dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác xây dựng XHHT; tổ chức kiểm tra công nhận các mô hình học tập, đơn vị học tập hằng năm.
Đi đôi với công tác tuyên truyền, huyện Đakrông đã cụ thể hóa các giải pháp xây dựng XHHT phù hợp với điều kiện thực tế. Theo đó, địa phương đã củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục bền vững đối với các trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ); kiện toàn, nâng cao năng lực của bộ máy làm việc của trung tâm. Đồng thời, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí kinh phí hoạt động; tổ chức khảo sát trình độ, nhu cầu học tập của cán bộ, công chức, người lao động trên địa bàn để lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp; vận động những người có kinh nghiệm, kiến thức, chuyên môn tham gia vào các hoạt động của trung tâm HTCĐ.
Cùng với đó, các cơ sở giáo dục chính quy làm nhiệm vụ giáo dục thường xuyên, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá trong các trường phổ thông nhằm giáo dục học sinh tinh thần ham học, năng lực tự học, khả năng tự nghiên cứu để học tập suốt đời có hiệu quả; tổ chức giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh. Nhiều giải pháp khác cũng được huyện Đakrông quan tâm thực hiện như: Mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào KHKT; hỗ trợ người học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập suốt đời; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành, tổ chức, doanh nghiệp trong công tác KHKT, xây dựng XHHT...
Với nhiều giải pháp đã triển khai, công tác KHKT tại huyện Đakrông thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến cuối năm 2021, UBND huyện đã ban hành các quyết định thành lập và công nhận ban giám đốc 13 trung tâm HTCĐ xã/thị trấn… Công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá, công nhận cộng đồng học tập cấp xã được thực hiện khá tốt. Năm 2021, có 41 cơ quan/đơn vị trên địa bàn huyện được công nhận kết quả đánh giá, xếp loại đơn vị học tập, trong đó có 27 đơn vị xếp loại tốt, 14 đơn vị đạt loại khá.
Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì vững chắc và từng bước được nâng lên. Tính đến năm 2021, 100% xã, thị trấn duy trì vững chắc kết quả đạt được về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Có 3 xã đạt mức độ 1; 7 xã, thị trấn đạt mức độ 2 và 3 xã đạt mức độ 3 về phổ cập giáo dục THCS. 1 thị trấn đạt chuẩn phổ cập bậc Trung học; có 3 xã đạt chuẩn mức độ 1, 10 xã, thị trấn đạt mức độ 2 về xóa mù chữ. Về công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), từ năm 2007 đến nay, huyện Đakrông đã tranh thủ nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án và từ ngân sách nhà nước đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng hơn 2.500 lượt CBCCVC. Trong đó, bồi dưỡng tin học văn phòng cho hơn 200 người và dạy tiếng Bru-Vân Kiều cho hơn 350 người. Về công tác đào tạo, bồi dưỡng lao động nông thôn, từ năm 2012 - 2021, toàn huyện đã có 3.789 lao động nông thôn được đào tạo nghề, trong đó 3.789 người có việc làm.
Để triển khai hiệu quả hơn Chỉ thị số 11-CT/TW, trong thời gian tới, huyện Đakrông tiếp tục quán triệt chỉ thị đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, từ đó tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động nhằm huy động toàn xã hội thực hiện hiệu quả công tác KHKT, xây dựng XHHT. Thực hiện phong trào xây dựng XHHT gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Gắn phát triển phong trào KHKT với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, học đi đôi với hành, với phong trào làm kinh tế giỏi, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ CBCCVC; vận động Nhân dân tích cực học tập để ứng dụng vào lao động sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng công việc, chất lượng cuộc sống; các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương, cộng đồng dân cư, gia đình tạo điều kiện thuận lợi để mọi người được học tập suốt đời. Hội khuyến học các cấp phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo, các ban, ngành liên quan tham mưu triển khai có hiệu quả các mô hình học tập; tăng cường củng cố, phát triển tổ chức hội ngày càng vững mạnh. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các trung tâm HTCĐ, phát triển nhiều loại hình đa dạng, phù hợp với điều kiện và nhu cầu học tập của người dân ở từng địa phương.
Bên cạnh sự nỗ lực của địa phương, huyện Đakrông đề xuất các cấp, ngành phát động các cuộc vận động, phong trào thi đua về công tác KHKT, xây dựng XHHT sâu rộng trên địa bàn gắn kết chặt chẽ và hiệu quả với các cuộc vận động, các phong trào thi đua. Tỉnh cũng cần quan tâm hỗ trợ các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất tại các trung tâm HTCĐ để đảm bảo các điều kiện hoạt động hiệu quả nhất…