Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 - 2020 vừa được Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết, qua đó các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc về những kết quả đạt được, đặc biệt là những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, trên cơ sở đó đề xuất chủ trương, định hướng, mục tiêu và giải pháp nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT trong giai đoạn tiếp theo.

Củng cố và phát triển mạnh mẽ hệ thống BHXH, BHYT

Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương về tình hình thực Nghị quyết số 21-NQ/TW, giai đoạn 2012 - 2020, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, quán triệt Nghị quyết số 21-NQ/TW.

Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết được ban hành kịp thời; công tác phối hợp tuyên truyền từ Trung ương đến địa phương được tiến hành hiệu quả; công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết được chú trọng và thực hiện nghiêm túc.

Qua đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân đã nhận thức rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng của BHXH, BHYT. Đồng thời, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo; các bộ, ngành đã phối hợp thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết, mang lại nhiều kết quả.

Cụ thể, hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tiếp tục hoàn thiện theo hướng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc thực hiện chi trả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được thực hiện theo quy định của pháp luật. Số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tiếp tục tăng qua các năm. Số người tham gia BHYT vượt mục tiêu đề ra. Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng mở rộng, nguồn kinh phí cho công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế được đảm bảo.

Đến ngày 31/12/2020, số người tham gia BHXH là 16,188.8 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ là 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 15,064 triệu người. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,124 triệu người, tăng 10 lần so với năm 2012, đạt tỷ lệ bao phủ là 2,2% (vượt 1,2% chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH). Số người tham gia BHTN là 13,324 triệu người, tăng 5,05 triệu người so với năm 2012 (tăng 61,7%), đạt 27% lực lượng lao động.

Tính đến hết năm 2020, đã có khoảng 88 triệu người tham gia BHYT, chiếm 90,97% dân số, bình quân mỗi năm tăng 48%, trong đó, diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế. Như vậy, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn đối với công tác BHYT giai đoạn 2012 - 2020.

Đặc biệt, chính sách BHYT đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội; đã bảo đảm cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hướng đến cải thiện chất lượng sức khỏe người dân và cộng đồng…

Cơ cấu đầu tư Quỹ chuyển dịch theo hướng an toàn; quy mô đầu tư quỹ ngày càng lớn, số dư đầu tư quỹ và lợi nhuận thu từ đầu tư tăng hàng năm. Quỹ BHYT đang dần trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh, góp phần giảm mức chi trả của người dân trong chăm sóc sức khỏe. Chất lượng dịch vụ BHXH, BHYT từng bước được cải thiện. Mức độ hài lòng của người dân về chất lượng BHYT ngày càng nâng cao…

Chất lượng dịch vụ BHXH, BHYT ngày càng được cải thiện.

Tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc

Có thể khẳng định rằng, Nghị quyết số 21-NQ/TW ra đời có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, thể hiện sự quan tâm sâu sắc, toàn diện của Đảng trong việc thống nhất chỉ đạo thực hiện công tác BHXH, BHYT.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW trong 8 năm qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

Giai đoạn 2012 - 2020, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, chính sách BHXH, BHYT đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò trụ cột chính trong các chính sách an sinh xã hội.

Quá trình thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, các cấp ủy Đảng, các cấp, các ngành đã quán triệt, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách BHXH, BHYT phù hợp với từng đối tượng; phương pháp triển khai và có một số điều chỉnh cụ thể để phù hợp với tình hình thực tế, nhằm tạo sự đồng thuận, nhận thức đúng vai trò, tầm quan trọng của BHXH, BHYT.

Đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tổng thể, lồng ghép việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân và người lao động, đó là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy gia tăng tỷ lệ bao phủ BHXH…

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-voi-cong-tac-bao-hiem-xa-hoi-bao-hiem-y-te-i639668/