Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng
Tổng cục Thuế vừa có công văn gửi cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Thuế doanh nghiệp lớn yêu cầu thực hiện nghiêm một số nguyên tắc trong thanh tra, kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro
Theo báo cáo của các cục thuế, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về hoàn thuế GTGT đã được phát hiện và kịp thời đấu tranh, ngăn chặn; một số vụ việc có dấu hiệu tội phạm đã được chuyển cơ quan chức năng để giải quyết theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật. Từ đó, góp phần nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý thuế, chống thất thoát ngân sách nhà nước cũng như tăng cường tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế (NNT).
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, qua tổng hợp báo cáo từ các cục thuế, Tổng cục Thuế nhận thấy việc triển khai thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại cơ quan thuế địa phương còn có những cách hiểu khác nhau làm phát sinh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Nhằm đảm bảo thực hiện thống nhất, đồng bộ theo đúng quy định pháp luật về quản lý thuế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ cũng như giải quyết công việc theo đúng chức trách, nhiệm vụ của công chức, cơ quan thuế trong công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT, Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố quán triệt và nghiêm túc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT đúng quy định.
Về nguyên tắc thực hiện, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng Cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc hoàn thuế đối với trường hợp hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế; chịu trách nhiệm toàn diện đối với công tác hoàn thuế GTGT thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đồng thời, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức về kỷ cương, kỷ luật của Ngành; quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT. Căn cứ đặc thù công tác quản lý thuế của từng địa bàn, Cục trưởng các Cục Thuế có biện pháp tăng cường quản lý, giám sát với cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ liên quan đến tiến độ giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT.
Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế áp dụng đầy đủ nguyên tắc quản lý rủi ro quy định tại Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn thi hành và các quy trình nghiệp vụ và các bộ tiêu chí, chỉ số rủi ro có liên quan. Việc đánh giá, phân tích rủi ro về thuế và hóa đơn phải căn cứ vào từng hồ sơ cụ thể và thực tiễn công tác quản lý thuế trên địa bàn để triển khai thực hiện.
Một nguyên tắc thực hiện khác được Tổng cục Thuế yêu cầu đó là công tác thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế phải được thực hiện quyết liệt nhằm kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế GTGT đảm bảo đúng chính sách, quy định của pháp luật. Cục Thuế phân công nhiệm vụ, giao nhiệm vụ kiểm tra sau hoàn thuế một cách cụ thể, rõ ràng đến từng bộ phận. Yêu cầu từng cán bộ, công chức nắm chắc địa bàn, lĩnh vực được phân công, trường hợp phát hiện bất thường trong khi thực thi công vụ cần khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Chú trọng công tác xác minh
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT, đẩy mạnh rà soát tổng hợp thông tin hệ thống, ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối thông tin cơ sở dữ liệu đánh giá rủi ro về quản lý thuế, quản lý hóa đơn... kịp thời thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc hoàn thuế theo quy định của pháp luật.
Đối với các hồ sơ kiểm tra trước hoàn thuế, cục thuế tổ chức thực hiện phân công, triển khai việc kiểm tra hồ sơ hoàn thuế ngay khi tiếp nhận hồ sơ. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát sinh lý do bất khả kháng, không thể tiếp tục thực hiện kiểm tra thì Trưởng đoàn kiểm tra báo cáo người ban hành Quyết định kiểm tra để tạm dừng kiểm tra. Lãnh đạo Cục Thuế, Lãnh đạo bộ phận thanh tra, kiểm tra thuế chịu trách nhiệm tổ chức giám sát từng đoàn kiểm tra đảm bảo thủ tục, trình tự theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế, quy trình kiểm tra thuế.
Với trường hợp doanh nghiệp thuộc kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT đã được phê duyệt có hồ sơ đề nghị hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước hoàn, Cục Thuế ưu tiên thực hiện công tác kiểm tra hồ sơ đề nghị hoàn thuế, bố trí sắp xếp nguồn lực triển khai kế hoạch phù hợp với quy định về thanh tra, kiểm tra thuế, quy định về giải quyết hoàn thuế tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đáng chú ý, đối với công tác xác minh, Tổng cục Thuế yêu cầu công tác này phải căn cứ trên các dấu hiệu rủi ro cụ thể về thuế theo đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thuế. Đề xuất xác minh phải có phân tích, đánh giá cụ thể dựa trên các dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế và hóa đơn do cơ quan thuế thu thập hoặc tiếp nhận từ bên thứ ba. Đồng thời, phạm vi đề xuất xác minh cần căn cứ các quy định pháp luật về thuế, quản lý thuế và các quy định pháp luật khác có liên quan đến giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ để đánh giá đúng trách nhiệm của NNT trong việc quản lý và sử dụng hóa đơn cũng như kê khai, xác định các nghĩa vụ thuế có liên quan.
Theo Tổng cục Thuế, việc kiểm tra, xác minh phải được thực hiện theo đúng quy định để đảm bảo thời gian giải quyết đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế. Trường hợp việc xác minh, kiểm tra cho thấy dấu hiệu vi phạm của các đối tượng mua bán hàng hóa ở các khâu trước đó, cục thuế thực hiện xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với NNT vi phạm.
Ngoài ra, cũng cần chú trọng sử dụng hệ thống hóa đơn điện tử để rút ngắn thời gian và nhanh chóng xác định đúng đối tượng cần xác minh.