Tăng cường thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường

Với mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đáp ứng quy chuẩn môi trường khu vực đô thị đạt 97%, khu vực nông thôn đạt 80%, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 23 về việc "Tăng cường công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường (VSMT) trên địa bàn". Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), bảo đảm sức khỏe nhân dân.

Nhân viên HTX Dịch vụ môi trường xã Sơn Lôi (Bình Xuyên) vận hành lò đốt rác đảm bảo vệ sinh môi trường

Nhân viên HTX Dịch vụ môi trường xã Sơn Lôi (Bình Xuyên) vận hành lò đốt rác đảm bảo vệ sinh môi trường

Toàn tỉnh hiện có khoảng 920 tấn rác thải phát sinh/ngày; trong đó, khu vực đô thị khoảng 350 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 570 tấn/ngày. Để đảm bảo công tác thu gom, xử lý rác thải và VSMT trên địa bàn, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, ban hành nhiều văn bản như: Kế hoạch số 11/2021 về tổ chức phát động Tháng hành động VSMT trên địa bàn; Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 301/2021 về tổ chức phát động tổng vệ sinh môi trường chào mừng kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc…

UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy xử lý rác tại xã Xuân Hòa (Lập Thạch) công suất 270 tấn/ngày; nhà máy xử lý rác tại xã Tam Hồng (Yên Lạc), công suất 50 tấn/ngày; cải tạo, nâng công suất nhà máy xử lý rác thải tại thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương) lên 150 tấn/ngày; triển khai dự án nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Phúc Yên; nâng công suất nhà máy xử lý nước thải tại thành phố Vĩnh Yên, xã Quất Lưu (Bình Xuyên).

Đến nay, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và VSMT trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện, tỷ lệ thu gom đạt trên 75% khu vực nông thôn và trên 95% khu vực đô thị.

Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa cùng quá trình phát triển KT- XH, sự gia tăng dân số..., khiến lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn ngày một nhiều; công tác thu gom, xử lý rác thải chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa cao; sự vào cuộc của một số địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa quan tâm đầy đủ, sát sao đến công tác quản lý rác thải và VSMT; công tác tuyên truyền với tần suất thấp, thiếu hiệu quả; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; chưa có sức răn đe, thiếu sự đôn đốc của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, đặc biệt là người đứng đầu…

Để khắc phục những hạn chế trên, tạo sự thay đổi toàn diện về công tác VSMT trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 23 về việc "Tăng cường công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn".

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, cơ quan truyền thông, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và VSMT, phân loại rác thải tại nguồn.

Kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, VSMT.

Tham mưu đề xuất UBND xử lý trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, vứt rác thải, tập kết rác thải không đúng nơi quy định.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về BVMT đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải rắn trên địa bàn…

Sở Xây dựng chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các chủ dự án công trình được cấp phép xây dựng; yêu cầu chủ đầu tư các công trình, dự án cam kết thu gom triệt để chất thải xây dựng và xử lý theo quy định.

Chủ trì, kiểm tra và xử lý những công trình xây dựng đã cũ nát, bị xuống cấp theo phân cấp quản lý và quy định của pháp luật, nhất là các công trình xây dựng không đúng với giấy phép xây dựng hoặc không có giấy phép xây dựng.

Ban hành thiết kế mẫu về xây dựng mồ mả, nghĩa trang, nghĩa địa nhằm sử dụng tiết kiệm đất dai và bảo vệ cảnh quan môi trường.

Ban Quản lý các KCN tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và giám sát các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý tồn tại về BVMT (đầu tư hạ tầng xử lý nước thải, chất thải…) của các cụm công nghiệp (CCN) mà trước đây chưa giao chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng.

Sở Công thương chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và giám sát các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN, các Ban Quản lý chợ, các doanh nghiệp sản xuất, các đơn vị kinh doanh điện tổ chức thu gom, xử lý chất thải; thực hiện việc tháo dỡ các đường dây hỏng, cột điện hỏng và di chuyển các cột điện ở những vị trí không còn phù hợp đến vị trí phù hợp để tạo lòng đường thông thoáng, các phương tiện đi lại thuận lợi.

Nghiên cứu để thực hiện việc hạ ngầm các tuyến đường dây có đủ điều kiện. Sở NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền VSMT gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm việc vứt xác động vật chết xuống ao hồ, thủy vực… Thực hiện Kế hoạch số 11/2021 về tổ chức phát động Tháng hành động VSMT.

Hồng Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/73786/tang-cuong-thu-gom-xu-ly-rac-thai-sinh-hoat-va-ve-sinh-moi-truong.html