Tăng cường thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội

Những năm qua, Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội (TGXH), gắn kết với hệ thống chính sách xã hội nói chung. Qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội (ASXH), tạo động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Việc thực hiện các chương trình chính sách trợ cấp tiền mặt, trợ giúp đột xuất và chăm sóc xã hội thuộc ngành LĐ-TB-XH quản lý.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh phối hợp với Hội Từ thiện Thánh Hữu trao tặng xe lăn cho người tàn tật ở huyện Sông Hinh. Ảnh: VĂN NGỌC

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh phối hợp với Hội Từ thiện Thánh Hữu trao tặng xe lăn cho người tàn tật ở huyện Sông Hinh. Ảnh: VĂN NGỌC

Theo TS Nguyễn Hải Hữu, nguyên Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), đến nay hệ thống luật pháp về chính sách và TGXH thuộc lĩnh vực ngành LĐ-TB-XH đã từng bước được hoàn thiện và đã được quy định tại trên 10 bộ luật, luật và hơn 30 nghị định, quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính Phủ. Ngoài ra còn có hơn 40 thông tư, thông tư liên tịch cấp bộ và nhiều văn bản có nội dung liên quan.

Trên cơ sở đó, nước ta đã xây dựng hàng trăm chính sách TGXH cho người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế khác… do nhiều bộ ngành làm đầu mối quản lý. Hiện có tới 118 chương trình, chính sách đan xen vào nhau trong công tác TGXH đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn.

Trong quá trình đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế ở Việt Nam, nhận thức về TGXH ngày càng rõ, nhất quán với quan điểm xuyên suốt là gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 đã nhấn mạnh: “Nâng cao hiệu quả công tác TGXH, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp; nâng dần mức trợ cấp xã hội thường xuyên phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước. Xây dựng mức sống tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội làm căn cứ xác định người thuộc diện được hưởng TGXH.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách TGXH. Củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở TGXH, phát triển mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, nhất là mô hình nhà dưỡng lão”. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cũng đã xác định: “Quản lý tốt sự phát triển xã hội; bảo đảm ASXH, nâng cao phúc lợi xã hội; thực hiện tốt chính sách người có công; nâng cao chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh, an toàn”.

Ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết: Thực hiện Kế hoạch 122/KH-UBND của UBND tỉnh về đề án Đổi mới, phát triển TGXH giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Phú Yên, hàng năm, Sở LĐ-TB-XH đã phân bổ nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động đổi mới, phát triển TGXH. Để thực hiện công tác TGXH được đa dạng, toàn diện và đạt hiệu quả cao, cần có sự chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ, bảo đảm bền vững, công bằng.

Vấn đề đặt ra là phải nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác TGXH; nâng cao năng lực cán bộ quản lý về trợ giúp xã hội; rà soát, quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở TGXH đến cấp huyện, xã phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, địa phương và phát huy năng lực, hiệu quả của các cơ sở TGXH hiện có. Đồng thời trợ giúp người dân tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ TGXH, nhất là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tâm thần, người nhiễm HIV/AIDS và đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp. Đa dạng hóa các hình thức đầu tư, hình thức quản lý cơ sở TGXH, đẩy mạnh xã hội hóa, bảo đảm phù hợp với khả năng huy động nguồn lực trợ giúp xã hội để phát triển mạng lưới các cơ sở TGXH. Qua đó tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh.

Ngoài các chính sách giảm nghèo của Trung ương, tỉnh Phú Yên đã và đang triển khai thực hiện Quyết định 61/2016/QĐ-UBND về việc quy định mức trợ cấp, TGXH đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh; các nghị quyết về Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020, về Quy định chính sách hỗ trợ các thôn, buôn hoàn thành Chương trình 135 ở các xã đã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới… (giai đoạn 2018-2020), về Quy định chính sách hỗ trợ đất ở cho hộ nghèo không có đất ở trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2018-2020), phương tiện nghe - xem và công tác quản lý giảm nghèo ở cấp xã thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020…

VĂN NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/230666/tang-cuong-thuc-hien-cac-chinh-sach-tro-giup-xa-hoi.html