Tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Thực hiện các chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Thời gian qua, UBND tỉnh và ngành BHXH tỉnh đã tích cực chỉ đạo và triển khai nhiều giải pháp phù hợp với thực tế của tỉnh, hướng tới mục tiêu đạt tỷ lệ bao phủ BHYT đến 100% dân số và tăng nhanh tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện tại địa phương nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân.
Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện chính sách BHXH và BHYT luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.
Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách bảo hiểm tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ bảo hiểm cho người lao động; vẫn còn một bộ phận người dân chưa tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài tại các đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn xảy ra...
Hơn 2 năm qua, việc thực hiện BHXH, BHYT, BHTN diễn ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh không thuận lợi, ảnh hưởng đến việc làm, nguồn thu nhập của người lao động.
Đặc biệt, từ năm 2021, trên địa bàn huyện Nho Quan có trên 41 nghìn người bị giảm thẻ BHYT hộ gia đình theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; địa bàn huyện Kim Sơn có 8.214 người bị giảm thẻ do xã Cồn Thoi về đích NTM.
Năm 2022, tiếp tục có thêm gần 22 nghìn người bị giảm thẻ BHYT thuộc 4 xã của huyện Kim Sơn do về đích NTM, gồm các xã Kim Hải, Kim Trung, Kim Tân và Kim Mỹ.
Trước thực tế đó, BHXH tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, vận động người dân tự nguyện tham gia BHYT hộ gia đình; tuy nhiên, do đã thành thói quen được hỗ trợ mua thẻ BHYT, tỷ lệ người dân thuộc các nhóm đối tượng trên tham gia lại chưa cao… Từ đó ảnh hưởng rất lớn đến việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch thu, phát triển đối tượng trong năm 2022.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH; Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật BHYT tiến tới BHYT toàn dân; Chương trình hành động số 25-CTr/TU ngày 31/7/2018 của Tỉnh ủy Ninh Bình về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, mới đây, UBND tỉnh đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động nghiêm túc thực hiện một số nội dung nhằm nâng cao tỷ lệ người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Theo đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT; phát huy vai trò và trách nhiệm của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp huyện, cấp xã trong việc chỉ đạo thực hiện các chính sách bảo hiểm; duy trì tỷ lệ bao phủ BHYT đối với các xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
BHXH tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về các chính sách bảo hiểm.
Phối hợp với BHXH tỉnh tổ chức tuyên truyền, vận động, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT cho UBND xã, phường, thị trấn, trong đó cần quan tâm đến số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố cần quyết liệt chỉ đạo các xã đã đạt NTM, NTM nâng cao nhưng hiện không còn giữ được tỷ lệ bao phủ BHYT theo quy định nhằm đảm bảo người dân tiếp tục tham gia BHYT. Phấn đấu năm 2022, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh đạt 92,85% và hoàn thành chỉ tiêu lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, BHTN do Chính phủ và UBND tỉnh giao.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố lập danh sách cấp thẻ BHYT cho các đối tượng theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ, không để bỏ sót đối tượng. Tiếp tục tuyên truyền cho đối tượng hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình tự đăng ký tham gia 50% mức đóng còn lại để được hưởng quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh (KCB).
Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành Luật Lao động, Luật BHXH, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động tại các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn phụ trách. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về lao động, việc làm, an toàn vệ sinh lao động, về BHXH tại các đơn vị sử dụng lao động, nhất là các đơn vị sử dụng lao động xảy ra tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH...
Sở Y tế tiếp tục phối hợp với BHXH tỉnh thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong KCB BHYT cho các cơ sở KCB trên địa bàn. Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng KCB BHYT; nâng cao ý thức trách nhiệm và thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ y tế, đảm bảo quyền lợi và sự hài lòng của người bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa quy trình đăng ký, thanh toán KCB BHYT; đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật để triển khai tiếp đón, tổ chức KCB cho người bệnh có căn cước công dân gắn chíp tích hợp thẻ BHYT hoặc qua ứng dụng VNEID, tạo thuận lợi cho người dân khi đi KCB BHYT.
Đặc biệt, ngành BHXH tỉnh cần chủ động hơn, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật BHXH, Luật BHYT bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và người dân về việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT.
Trong đó chú trọng nội dung, mục đích, ý nghĩa, quyền lợi được hưởng khi tham gia BHXH, BHYT; thông báo công khai danh tính những đơn vị vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp với các đơn vị như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Cục Thuế tỉnh tổ chức rà soát, đối chiếu, xác định số đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động, thành lập mới trên địa bàn tỉnh; số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; người lao động là công dân nước ngoài được cấp phép lao động trên địa bàn tỉnh để đôn đốc, hướng dẫn đơn vị tham gia BHXH bắt buộc đầy đủ cho người lao động theo quy định.
Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị BHXH trực thuộc kịp thời tham mưu cho UBND cùng cấp giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT cho tổ chức dịch vụ thu triển khai, thực hiện. Nâng cao chất lượng phục vụ, cải cách thủ tục hành chính, công khai hóa các thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị và người dân tham gia BHXH, BHYT, BHTN nhanh chóng, thuận tiện.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra chuyên ngành, kiểm tra đột xuất tại các đơn vị có dấu hiệu vi phạm; đôn đốc thu, giảm nợ đọng ở mức thấp nhất; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, trốn đóng, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN theo thẩm quyền. Tích cực tham mưu, đề xuất phương án, báo cáo kịp thời UBND tỉnh việc xử lý đối với các đơn vị vi phạm theo đúng quy định.