Tăng cường thực hiện Quy chế công tác dân vận trong hệ thống chính trị
Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai đồng bộ các mặt công tác dân vận như: Công tác vận động nhân dân, công tác tôn giáo, thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở và đặc biệt là công tác dân vận của các cơ quan hành chính Nhà nước và chính quyền các cấp... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai đồng bộ các mặt công tác dân vận như: Công tác vận động nhân dân, công tác tôn giáo, thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở và đặc biệt là công tác dân vận của các cơ quan hành chính Nhà nước và chính quyền các cấp...; xây dựng, củng cố mối quan hệ gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Thực hiện Quyết định 290-QĐ/TW của Trung ương và Quyết định 157-QĐ/TU của Ban TVTU về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”, 10 năm qua, các huyện ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt nội dung Quyết định đến cán bộ chủ chốt cấp huyện và cơ sở; đề cao trách nhiệm của thường trực cấp ủy, người đứng đầu các cấp chính quyền, phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong phối hợp thực hiện công tác dân vận, tập hợp và xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Qua đó, nhận thức của cấp ủy và các tổ chức trong hệ thống chính trị của tỉnh về vị trí, vai trò công tác dân vận từng bước được nâng lên. Nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, HĐND tỉnh đã triển khai các kế hoạch tiếp xúc cử tri trước các kỳ họp của HĐND và Quốc hội; phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri tại các đơn vị bầu cử; qua đó đã duy trì mối liên hệ giữa đại biểu HĐND với cử tri; đồng thời, các đại biểu HĐND kịp thời nắm bắt các ý kiến kiến nghị của cử tri đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu chuyên trách HĐND tỉnh tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh và trụ sở tiếp công dân của huyện, thành phố theo địa bàn ứng cử được chú trọng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức gần 200 cuộc tiếp xúc với cử tri ở các địa phương, cơ sở. Các hội nghị đã phát huy dân chủ, ghi nhận ý kiến, kiến nghị của nhân dân tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, quy định, quy chế… của địa phương, cơ sở; tổng hợp ý kiến của cử tri được báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh và chuyển đến các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết. Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân của Thường trực HĐND tỉnh được duy trì thường xuyên, nền nếp theo quy định, kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Những năm qua, trong các chương trình hoạt động hàng năm của HĐND các cấp đều có nội dung tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thường trực HĐND phân công đại diện Thường trực HĐND, Trưởng các Ban HĐND và các đại biểu HĐND luân phiên tiếp công dân theo lịch cụ thể trong tháng. Lịch tiếp công dân định kỳ theo tháng được gửi đến các sở, ban, ngành và UBND các cấp để thực hiện và niêm yết, thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của tỉnh. Trong quá trình tiếp công dân, các đại biểu tiếp dân đã trực tiếp giải thích, hướng dẫn để công dân hiểu rõ hơn và thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Những nội dung, vụ việc mới phát sinh được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời công dân. Từ năm 2016 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh trực tiếp tiếp công dân và tổ chức cho lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh tiếp 326 lượt công dân và tiếp nhận 690 đơn đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân và đã xử lý, chuyển 273 đơn đến các cơ quan có liên quan xem xét giải quyết. Đối với những vụ việc phức tạp, Thường trực HĐND tỉnh giao các Ban HĐND tỉnh nghiên cứu, xem xét, giám sát để trả lời công dân và báo cáo kết quả về Thường trực HĐND tỉnh.
Quá trình thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW của Trung ương, hiệu quả công tác phối hợp giữa chính quyền, lực lượng vũ trang với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị đã được nâng lên. Đặc biệt, công tác dân vận của cơ quan Nhà nước và chính quyền các cấp đã có những chuyển biến rõ nét. Chính quyền các cấp đã tập trung đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quyết liệt thực hiện công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; quan tâm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; thường xuyên chấn chỉnh việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong các cơ quan, đơn vị; quán triệt nâng cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ; thực hành công khai, dân chủ trong nội bộ các cơ quan, đơn vị và với công dân. Dân chủ được phát huy, đảm bảo quyền giám sát của nhân dân đối với mọi hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như việc tu dưỡng đạo đức, lối sống; rèn luyện tác phong, lề lối làm việc và nâng cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức…; từng bước xây dựng cơ quan, đơn vị, chính quyền trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức viên chức có năng lực chuyên môn, kỷ luật và trách nhiệm.
Hệ thống chính trị cùng thực hiện công tác dân vận đã góp phần mở rộng dân chủ trong xã hội, là động lực để toàn dân tích cực đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn