Tăng cường thực hiện quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em
Để triển khai thực hiện tốt Công văn số 4452 ngày 23/9/2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội “về việc thực hiện quy định của pháp luật về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em”, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; tăng cường tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc phát hiện, báo cáo và xử lý các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.
Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, triển khai thực hiện Nghị định số 110 ngày 30/8/2024 của Chính phủ về công tác xã hội nhằm xây dựng mạng lưới nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp để tăng cường phòng ngừa, chăm sóc, bảo vệ trẻ em tại các cơ sở trợ giúp xã hội và tại cộng đồng. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 48 ngày 10/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định số lượng và mức chi phụ cấp hằng tháng đối với cộng tác viên công tác xã hội xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030 (viết tắt là Nghị quyết số 48); tham mưu điều chỉnh, bổ sung phù hợp tình hình thực tế nhằm đảm bảo nhân lực làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã.
UBND các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập có thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trên địa bàn, bảo đảm việc tuân thủ các quy định của Luật Trẻ em và các quy định của pháp luật có liên quan về quy trình tiếp nhận, chăm sóc và thực hiện các hình thức chăm sóc thay thế vì lợi ích tốt nhất của từng trẻ em; tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động; công tác tiếp nhận, quản lý các nguồn vận động xã hội của các cơ sở; xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ sở hoạt động không đăng ký, tự phát, không được cấp phép hoặc không bảo đảm các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật.
Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, triển khai giải pháp bảo đảm các cơ sở trợ giúp xã hội sử dụng công nghệ, thiết bị kỹ thuật theo dõi, giám sát thường xuyên, liên tục (24h/24h) việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại cơ sở trợ giúp xã hội; chia sẻ, cập nhật dữ liệu về chăm sóc, bảo vệ trẻ em với các cơ quan có thẩm quyền trong việc giám sát, bảo vệ các quyền trẻ em tại cơ sở. Chỉ đạo UBND cấp xã bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý, bảo đảm thời gian làm việc và năng lực thực hiện các quy định về bảo vệ trẻ em của Luật Trẻ em và Nghị định số 56 ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.