Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số: Quả ngọt đầu mùa
Sau 5 năm triển khai thực hiện đề án 'Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số', Gia Lai đã gặt hái được những kết quả khả quan. Nhờ thành thạo tiếng Việt, nhiều học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) không chỉ nắm vững hơn các môn học khác mà còn trở nên tự tin trong học tập lẫn cuộc sống.
Điểm sáng từ cơ sở
Tiết học “Làm quen với văn học qua thơ” của lớp ghép 3-4-5 tuổi, Trường Mẫu giáo Đê Ar (xã Đê Ar, huyện Mang Yang) diễn ra trong không khí rất sôi nổi. Để giúp học sinh dễ dàng ghi nhớ và thuộc lòng tác phẩm, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Tuyết đã lựa chọn bài thơ “Yêu mẹ” với nội dung ngắn gọn, gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Cô còn tạo ra nhiều tình huống vui nhộn và sử dụng hình ảnh trực quan, sinh động trong khi dạy nhằm lôi cuốn trẻ vào giờ học.
“Khi dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS, chúng tôi thường bắt đầu bằng những từ ngữ hay câu đơn giản, quen thuộc rồi mới đến những từ khó và câu phức tạp hơn. Bản thân giáo viên phải hiểu được ngôn ngữ của trẻ, thường xuyên gần gũi, trò chuyện để giúp các bé lĩnh hội tiếng Việt một cách tốt nhất”-cô Tuyết chia sẻ.
Toàn tỉnh hiện có 264 trường mầm non với 1.042 điểm trường, trong đó, 236 trường và 886 điểm trường có trẻ DTTS. Số trường có bậc học tiểu học là 271 (gồm 107 trường tiểu học, 74 trường tiểu học và THCS) với khoảng 82.000/165.000 học sinh tiểu học là người DTTS.
Trường Mẫu giáo Đê Ar thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn của huyện Mang Yang. Hàng năm, trường có trên 230 trẻ (hơn 99% là người Bahnar) theo học tại 6 điểm trường lẻ và 1 điểm trường chính. Hầu hết các bé khi mới đến lớp đều khá nhút nhát và chưa biết nói tiếng Việt. Vì thế, nhà trường luôn chú trọng đến vấn đề tăng cường tiếng Việt cho trẻ ngay từ đầu mỗi năm học.
Cô Mai Thị Ái Diễm-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: “Nhờ tạo được môi trường giao tiếp cho trẻ cũng như áp dụng phương pháp giảng dạy sáng tạo, những năm qua, công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ đã đạt được một số kết quả đáng mừng. Qua các đợt khảo sát chất lượng cuối học kỳ và cuối năm học, phần lớn các cháu đều rất mạnh dạn, tự tin giao tiếp, có thể nói được đủ câu, kể cả câu dài một cách rõ ràng. Nhiều cháu còn có thể kể chuyện, đọc thơ diễn cảm và thuộc lời bài hát. Tại các cuộc thi giao lưu tiếng Việt các cấp, học sinh của trường đều đạt giải cao”.
Tương tự, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông) cũng có trên 65% học sinh Jrai với vốn tiếng Việt còn khá hạn chế. Theo Hiệu trưởng Đào Hồng Giáp, hầu hết các em chỉ sử dụng tiếng Việt lúc đến lớp, còn lại chủ yếu giao tiếp bằng phương ngữ. Để tăng cường tiếng Việt cho học sinh, nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực như: tăng thời lượng dạy học môn tiếng Việt lớp 1; dạy học theo nhóm; tổ chức nhiều trò chơi, hoạt động ngoại khóa; chú trọng rèn luyện kỹ năng nghe-nói-đọc-viết, xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh thông qua các hoạt động của thư viện… Nhờ đó, khả năng sử dụng tiếng Việt của học sinh được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ lên lớp hàng năm đạt trên 95%.
Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Việt
Qua 5 năm (2016-2020) triển khai thực hiện giai đoạn I đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS”, chất lượng dạy học tiếng Việt nói riêng và chất lượng giáo dục vùng DTTS nói chung trên địa bàn tỉnh không ngừng được nâng lên. Phương pháp giáo dục được đổi mới, học sinh được thực hành trải nghiệm nhiều trong giao tiếp để luyện kỹ năng nghe-nói-đọc-viết.
Hầu hết giáo viên đã tích cực chủ động tìm hiểu về bản sắc văn hóa các dân tộc, làm giàu phương ngữ, hiểu được phong tục tập quán của từng dân tộc để áp dụng phương pháp giáo dục phù hợp; đồng thời biết vận dụng các điều kiện sẵn có ở địa phương để tổ chức các trò chơi phù hợp độ tuổi, các hội thi, buổi tuyên truyền, tư vấn cho phụ huynh…
Từ đó, kỹ năng sống và giao tiếp của học sinh mầm non vùng DTTS ngày càng được cải thiện; trẻ diễn đạt được mong muốn, yêu thích đến trường và sẵn sàng tâm thế để lên lớp 1. Ngoài ra, 100% học sinh tiểu học người DTTS được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi, năng lực.
Mỗi năm học, các trường tiểu học có tỷ lệ học sinh DTTS từ 30% trở lên đều tổ chức chương trình giao lưu tiếng Việt. Nhiều Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức giao lưu tiếng Việt cho học sinh DTTS cấp tiểu học toàn huyện 1 lần/năm học. Học sinh tiểu học người DTTS đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng môn Tiếng Việt hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Bà Bùi Khoa Nghi-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT-cho biết: Phát huy những kết quả đạt được trong giai đoạn I, toàn ngành quyết tâm triển khai thực hiện tốt đề án ở giai đoạn 2021-2025. Thời gian đến, Sở tiếp tục chỉ đạo các Phòng GD-ĐT và các trường tiểu học, mầm non đẩy mạnh tuyên truyền để các ngành, địa phương, phụ huynh và toàn xã hội thấy được tầm quan trọng của việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS; qua đó huy động được nhiều nguồn lực cho nhiệm vụ này.
Song song với đó, ngành tiếp tục bồi dưỡng cán bộ, giáo viên mầm non, tiểu học đạt chuẩn và trên chuẩn để giảng dạy ở vùng DTTS; đảm bảo chế độ, chính sách cho học sinh, giáo viên dạy lớp ghép DTTS; kịp thời tuyên dương, nhân rộng những mô hình điển hình, cách làm hay về tăng cường tiếng Việt cho học sinh…