Tăng cường tiếng Việt cho trẻ đồng bào dân tộc thiểu số
Giáo viên Trường mầm non công lập Krông Pa (xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa) dạy tiếng Việt cho các trẻ tại một góc học tập của trường. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG
Thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), giai đoạn 2016-2020”, đến nay Phú Yên đã đạt được những kết quả nhất định. Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Thị Ngọc Ái về đề án này trong giai đoạn tới, bà Ái cho biết:
Thực hiện Quyết định 1008 của Thủ tướng Chính phủ về đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2016-2020”, Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh Phú Yên ban hành kế hoạch và triển khai đề án một cách nghiêm túc. Đến nay, ở cuối độ tuổi mẫu giáo, cơ bản trẻ có khả năng nghe, nói tiếng Việt tương đối tốt, hình thành một số kỹ năng cơ bản như: tập tô, viết, làm quen sách, nhận dạng 29 chữ cái và nhận biết được chữ số, số lượng trong phạm vi 10...
* Thưa bà, đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2016-2020” được triển khai ở địa phương nào và kết quả đến nay ra sao?
- Đến nay, đề án trên được triển khai ở tất cả các địa phương có đồng bào DTTS, gồm: Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tây Hòa, Phú Hòa. Qua 5 năm triển khai đề án, 100% trẻ DTTS được tăng cường tiếng Việt phù hợp với độ tuổi. Các phòng GD-ĐT đã đầu tư cơ sở vật chất, xây thêm phòng học, mua sắm trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho các trường, phong phú về số lượng, đa dạng về chủng loại mẫu mã phục vụ tốt cho việc dạy học tăng cường tiếng Việt; đã xây mới 92 phòng học, 9 phòng chức năng, 2 khu vực bếp một chiều, 4 hàng rào sân chơi cho các trường mẫu giáo, 39 bộ đồ chơi ngoài trời cho các trường mầm non với tổng kinh phí gần 37 tỉ đồng. UBND các huyện cũng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để các trường tổ chức học bán trú, nhờ vậy trẻ có thêm thời gian giao tiếp với các bạn, nhân viên cấp dưỡng, cô giáo… nên kỹ năng nghe và nói tiếng Việt của trẻ ngày càng tốt hơn.
Công tác hỗ trợ giáo viên dạy trẻ DTTS ở các điểm lẻ, chế độ ăn trưa và chi phí học tập cũng được quan tâm. Cán bộ, giáo viên các trường cũng thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề hàng năm. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ huynh để họ quan tâm, thường xuyên nói tiếng Việt với trẻ khi về nhà hoặc tại cộng đồng, góp phần tăng vốn từ vựng cho trẻ. Ngoài ra, các trường tăng cường tổ chức hoạt động giao lưu, các trò chơi đố vui, dân gian, ngoại khóa để tăng cường tiếng Việt cho trẻ…
* Qua triển khai đề án trên, ngành Giáo dục có khó khăn gì cần khắc phục, thưa bà?
- Bên cạnh những mặt đạt được, ngành Giáo dục cũng còn gặp những khó khăn nhất định. Việc hợp đồng và kinh phí chi trả nhân viên hỗ trợ tiếng mẹ đẻ cho giáo viên trong lớp học chưa thực hiện được. Phần lớn giáo viên ít rành tiếng mẹ đẻ của các em để giao tiếp, giảng dạy. Giáo viên người đồng bào DTTS còn ít, có trường chỉ có một, hai giáo viên, có trường không có giáo viên nào. Trang thiết bị dạy học, tài liệu, học liệu còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ yêu cầu dạy và học. Hiện một số trường có nhu cầu tổ chức dạy học bán trú, nhưng do thiếu giáo viên, cấp dưỡng và bếp ăn nên chưa thực hiện được…
* Để thực hiện tốt đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2020-2025” tốt hơn, Sở GD-ĐT có kế hoạch gì, thưa bà?
- Hiện nay, Sở GD-ĐT đang chờ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT để tiếp tục triển khai đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2020-2025”. Sắp tới, phát huy những kết quả đạt được, Sở GD-ĐT vẫn tiếp tục áp dụng Kế hoạch 120 của UBND tỉnh để triển khai nội dung này. Các cấp tiếp tục quan tâm việc dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS, tăng cường trang thiết bị, đồ dùng học tập, đồ chơi cho các trường học; tăng cường bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên về phương pháp, hình thức dạy học tăng cường tiếng Việt; khuyến khích giáo viên tự học tiếng mẹ đẻ của trẻ, tìm hiểu văn hóa của vùng đồng bào DTTS; tham mưu với các cấp tuyển dụng giáo viên người đồng bào DTTS dạy cho trẻ. Ngoài ra, các trường tạo nhiều hoạt động cho thầy cô giáo, các em học sinh giao lưu tiếng Việt giữa các lớp, các trường, đồng thời phối hợp với địa phương để tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho các em tại khu dân cư.
Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, ngành tăng cường giáo viên để đảm bảo tổ chức dạy bán trú cho trẻ mầm non; đầu tư thêm kinh phí xây dựng cơ sở vật chất các phòng học lâu năm đã xuống cấp.
* Xin cảm ơn bà!
TRUNG HIẾU (thực hiện)