Tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng cao trước lớp 1
Để tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non là người dân tộc thiểu số trước khi các em vào lớp 1, các trường mầm non đã áp dụng hình thức khác nhau...
Mở rộng không gian bồi dưỡng
Bố trí góc sách truyện, “thư viện” mini trong lớp, trang trí, trải thảm hoặc ghế mềm cho trẻ thoải mái khi xem/đọc sách hay trang bị hệ thống bút chì, bút màu, các bài tô chữ rỗng, nguyên vật liệu để trẻ xếp hình chữ cái, chữ số theo ý thích… Đây là cách Trường Mầm non Khánh Khê (Văn Quan, Lạng Sơn) thực hiện trong thời gian qua để tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non trước khi vào lớp 1.
Đồng thời, chữ viết tiếng Việt được khai thác và sử dụng trong toàn bộ không gian trong và ngoài lớp học nhằm tạo một môi trường tiếng Việt mọi lúc mọi nơi, tạo cơ hội cho trẻ được nhận biết và thực hành hằng ngày nhằm phát triển ngôn ngữ cũng như giao tiếp. Mỗi ngày đến trường, ngoài học kiến thức, học các kỹ năng, trẻ còn được dạy thói quen đọc sách, bồi dưỡng tình yêu, sự ham mê đối với sách.
Cô Lã Hương Giang - Hiệu trưởng Trường Mầm non Khánh Khê cho biết: “Nhà trường chú ý tạo môi trường cho trẻ được giao tiếp nhằm phát triển ngôn ngữ. Đặc biệt, giáo viên khi giao tiếp với trẻ phải nói đầy đủ câu, ngắn gọn, rõ ràng, đúng chuẩn mực để làm gương, rèn luyện cho trẻ hằng ngày. Phối hợp với cha mẹ tạo môi trường giao lưu ngôn ngữ tích cực, thường xuyên cho trẻ tại gia đình”.
Ông Ngô Văn Hiền - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, đánh giá, kế hoạch tăng cường tiếng Việt được phòng GD&ĐT triển khai bài bản, đồng bộ, bám sát các văn bản của cấp trên đến các đơn vị trường, xây dựng kế hoạch theo năm học, chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch giai đoạn, năm học. Chúng tôi cũng chỉ đạo thực hiện lồng ghép chuyên đề tăng cường tiếng Việt vào kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện của đơn vị, địa phương, trang trí môi trường tăng cường tiếng Việt, rèn kỹ năng học, đọc viết... chuẩn bị tâm thế cho trẻ bước vào lớp 1.
Đồng thời, chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch phối hợp tham quan trường tiểu học, thực hiện liên thông Chương trình GDPT 2018. Từ đó, tư vấn các đơn vị trường học thực hiện chương trình mới đạt hiệu quả cao nhất.
“Đối với trẻ 5 - 6 tuổi phòng GD&ĐT yêu cầu các đơn vị trường quan tâm rèn cho trẻ các kỹ năng nghe, nói, diễn đạt đủ câu, nhận dạng chữ cái, chữ số trong bảng tiếng Việt, tập tô đồ các nét chữ, cách cầm bút, tư thế ngồi… thông qua các hoạt động sinh hoạt, học tập trong ngày, qua các buổi tham quan trải nghiệm; phối hợp cùng với gia đình chuẩn bị tâm thế tốt nhất để trẻ sẵn sàng bước vào lớp 1”, ông Hiền nói.
Kích hoạt tâm lý sẵn sàng
Trẻ từ bậc mầm non lên lớp 1 sẽ phải làm quen với môi trường mới, bạn mới, thầy cô mới, cách học mới, vì vậy sẽ gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Hiểu rõ điều này, ngay từ bậc mầm non, các trường ngoài việc dạy trẻ kỹ năng còn xây dựng kế hoạch hỗ trợ trẻ mầm non 5 tuổi làm quen với môi trường ở bậc tiểu học.
Có rất nhiều cách thức đa dạng được các nhà trường tổ chức, chẳng hạn như tổ chức các tiết học trải nghiệm, các tiết tham quan trường tiểu học… Tại Trường Mầm non Khánh Khê, Ban giám hiệu chỉ đạo giáo viên lớp mầm non 5 tuổi xây dựng kế hoạch giáo dục năm học bám sát Chương trình giáo dục mầm non phù hợp với lứa tuổi. Lựa chọn những mục tiêu, nội dung phù hợp với đối tượng trẻ, đặc biệt chú trọng trong hoạt động giáo dục làm quen với toán và chữ cái.
Với chuyên đề “Trường tiểu học”, khi tổ chức đưa học sinh tham quan trường tiểu học, giáo viên sẽ giới thiệu và cho trẻ nhận xét sự khác nhau giữa khung cảnh trường mầm non và khung cảnh trường tiểu học. Các cô giáo ở trường tiểu học sẽ giới thiệu cho trẻ một số đồ dùng học tập của học sinh lớp 1, dặn dò trẻ, khơi gợi niềm vui phấn khởi của trẻ để các bé thấy thích được đến trường tiểu học.
Trong buổi trải nghiệm, giáo viên mầm non sẽ phối hợp cùng giáo viên tiểu học cho trẻ trải nghiệm một vài hoạt động (tùy thuộc thời điểm đang diễn ra hoạt động nào thì cho trẻ tham gia trải nghiệm hoạt động đó như hát, đọc thơ…).
“Trẻ được lắng nghe tiếng trống báo hiệu, được giáo viên hướng dẫn tư thế ngồi học, cách cầm bút và phổ biến những nội quy của lớp học… Khi trực tiếp trải nghiệm một buổi học lớp 1 ngay khi còn ở bậc mầm non, các em nhỏ sẽ hào hứng, thích thú, nhờ đó, giảm bớt cảm giác bỡ ngỡ, lạ lẫm khi chuyển sang bậc học mới”, cô Lã Hương Giang giải thích.
Tương tự, tại Trường Mầm non Không Hin, (Tuần Giáo, Điện Biên), trẻ mầm non cũng được tham gia các tiết dạy chuyên đề chủ đề “Trường tiểu học”, giúp trẻ hình dung được sự khác biệt giữa trường mầm non và trường tiểu học. Ở các tiết này, nhà trường phân công giáo viên có trình độ trên chuẩn dạy lớp 5 tuổi nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục.
“Việc tổ chức cho trẻ mẫu giáo khối 5 - 6 tuổi tham quan trường tiểu học, trải nghiệm buổi học sẽ giúp các em phát triển toàn diện về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, giao tiếp, tình cảm, kĩ năng xã hội và thẩm mĩ”, cô Nguyễn Thị Hường - Hiệu trưởng Trường Mầm non Không Hin chia sẻ.
Không chỉ hướng đến học sinh, Trường Mầm non Không Hin còn thực hiện tốt hoạt động tư vấn, hướng dẫn để cha mẹ quan tâm và có hiểu biết đúng về việc chuẩn bị tâm thế cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1. Đây cũng là biện pháp hiệu quả để chia sẻ trách nhiệm, thực hiện sự phối hợp thống nhất giữa nhà trường và gia đình.
Gia đình nhận được hỗ trợ cần thiết của nhà trường và giáo viên, cùng hợp tác, phối hợp trong hành động, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1. Các nhà trường cũng chú trọng chỉ đạo giáo viên, đặc biệt là giáo viên phụ trách lớp 5 tuổi tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn cha mẹ chuẩn bị tâm lý để trẻ đón nhận “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
“Tại Trường Mầm non Khánh Khê, chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho giáo viên dạy trẻ 5 tuổi những kỹ năng toàn diện để chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1, đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Song song với đó, việc tuyên truyền cho phụ huynh về tầm quan trọng của việc chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1 cũng luôn được coi trọng”, cô Lã Hương Giang chia sẻ.