Tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp
Thời gian qua, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh đã tập trung lãnh đạo triển khai nhiều biện pháp thiết thực, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, tạo được những chuyển biến rõ nét trên các mặt công tác, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Toàn cảnh hội nghị công bố kết luận kiểm tra chuyên đề án hình sự tạm đình chỉ.
Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Nguyễn Đức Thanh cho biết: Để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đơn vị thường xuyên quán triệt và thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Viện trưởng VKSND tối cao, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác tư pháp. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp cùng cấp xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chế phối hợp, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác. Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, VKSND tỉnh và VKSND khu vực đã phân công kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, bảo đảm kiểm sát ngay từ khi nắm bắt được thông tin về tội phạm.
Đối với những tố giác, tin báo về tội phạm phức tạp hoặc có khó khăn, vướng mắc, VKSND tỉnh và VKSND khu vực kịp thời tổ chức họp liên ngành các cơ quan tư pháp để phối hợp giải quyết, qua đó bảo đảm các tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Từ đầu năm 2025 đến nay, VKSND tỉnh và VKSND khu vực đã kiểm sát 1.819 tin báo, trong đó đã giải quyết 1.416 tin báo; ban hành 60 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm, 5 thông báo rút kinh nghiệm.
Ngoài ra, VKSND tỉnh và VKSND khu vực còn chú trọng nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố các vụ án hình sự. Trong đó, VKSND tỉnh và VKSND khu vực đã chủ động kiểm sát chặt chẽ các vụ án ngay từ khi khởi tố; kiểm sát chặt chẽ căn cứ bắt, tạm giữ, tạm giam. Đồng thời, trực tiếp lấy lời khai người bị bắt, tạm giữ trước khi phê chuẩn; chủ động đề ra yêu cầu điều tra, tích cực tham gia hỏi cung, trực tiếp thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Mặt khác, VKSND tỉnh và VKSND khu vực đã chủ động, phối hợp với tòa án để tổ chức các phiên tòa công khai tài liệu chứng cứ “số hóa hồ sơ vụ án” và các phiên tòa rút kinh nghiệm để cho cán bộ, kiểm sát viên trong đơn vị học tập; đồng thời triển khai xây dựng sơ đồ tư duy, báo cáo án bằng hình ảnh đối với các vụ án hình sự. Vì vậy, trong thời gian qua không để xảy ra vụ án oan sai, tòa án tuyên không phạm tội hoặc bỏ lọt tội phạm.
Cùng với đó, VKSND tỉnh và VKSND khu vực đã chú trọng nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử của tòa án. Đối với từng loại án khác nhau, các đơn vị phân công kiểm sát viên thụ lý kiểm sát điều tra vụ án phù hợp với năng lực, sở trường để phát huy khả năng kiểm sát án trong từng lĩnh vực chuyên sâu; chỉ đạo kiểm sát viên nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, trích, thiết lập hồ sơ kịp thời, đầy đủ ở từng giai đoạn điều tra, giải quyết vụ án, đảm bảo cả hai phương diện chứng cứ và thủ tục tố tụng. 9 tháng năm 2025 (tính từ ngày 1/10/2024 đến 1/7/2025), VKSND tỉnh và VKSND khu vực đã thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố với tổng số 1.548 vụ, 3.401 bị can; trong đó đã giải quyết 1.528 vụ, 3.352 bị can. Chất lượng truy tố bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có vụ án truy tố oan, sai, không có án bị hủy để điều tra hoặc xét xử lại; không có án trả hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; không có vụ án nào đình chỉ không tội hoặc tòa án tuyên không phạm tội hoặc xét xử khác tội danh VKSND truy tố...
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới VKSND tỉnh và VKSND khu vực tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan sai và bỏ lọt tội phạm; tập trung tăng cường công tố trong hoạt động điều tra; nâng cao hơn nữa chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa. Chủ động kiến nghị, kháng nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp khắc phục vi phạm trong phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành...