Tăng cường trách nhiệm của cơ quan trình dự án luật
Hôm qua (9/1), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cần thay đổi quy trình thực hiện tiếp thu, chỉnh lý…
Báo cáo một số vấn đề xin ý kiến về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, cả 2 phương án của Chính phủ trình đã được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ ưu điểm, hạn chế của từng phương án. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu (ĐB) đề nghị lựa chọn Phương án 2 của Chính phủ.
“Do vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho tiếp thu theo ý kiến của ĐB là tiếp tục quy định cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật như hiện nay. Đồng thời bổ sung một số quy định nhằm xác định cụ thể, rõ hơn trong Luật Trách nhiệm của từng cơ quan trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý”, ông Tùng nói.
Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần thay đổi quy trình thực hiện tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật sau khi được Quốc hội cho ý kiến lần đầu. “Tức là, sau khi Quốc hội thảo luận lần đầu, các cơ quan chức năng sẽ phối hợp với nhau, chứ không phải sân bên này làm, sân bên kia nằm yên.
UBTVQH sẽ thảo luận, cho ý kiến tiếp về báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH của Chính phủ, cũng như báo cáo thẩm tra, phản biện của cơ quan được giao chủ trì thẩm tra về báo cáo này của Chính phủ. Sau đó, căn cứ trên ý kiến, kết luận của UBTVQH, cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ xây dựng báo cáo ra Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu và khẳng định, quy trình, thủ tục sửa đổi theo hướng này là rất rõ ràng, tăng cường trách nhiệm của cơ quan trình dự án luật.
Xây dựng luật, pháp lệnh cần theo thực tế
Về việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, vấn đề này vẫn còn có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã có sự đổi mới căn bản về quy trình lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo hướng tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo dự án.
Những tồn tại, hạn chế trong công tác lập Chương trình thời gian qua như ý kiến của các ĐB nêu một phần là do quy trình lập Chương trình có nhiều điểm còn khá mới, các cơ quan chưa theo kịp, nhưng phần lớn là do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt. Do đó, không nên thay đổi quy trình, mà trong thời gian tới UBTVQH, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo, chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện.
Loại ý kiến thứ hai tán thành với đánh giá về những hạn chế trong lập và triển khai Chương trình phần lớn là do khâu tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, cũng đề nghị nghiên cứu tiếp thu một phần ý kiến của ĐB Quốc hội, làm rõ hơn trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc cho ý kiến, thông qua chính sách trong các dự án được đề nghị đưa vào Chương trình để làm cơ sở cho cơ quan trình tiến hành việc soạn thảo.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, quy định về lập Chương trình xây dựng pháp luật nên như hiện nay, tuy nhiên nên đi vào chiều sâu. Tất cả những sáng kiến, đề xuất chính sách, pháp luật muốn được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cần có đề cương, trong đó phải giải quyết được những bất cập trong thực tiễn cuộc sống, những vấn đề trong giai đoạn hội nhập và thể hiện được tư duy phát triển.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, đúng là thực tế trong quá trình thực hiện có hạn chế nhưng việc thay đổi chương trình, việc rút ra, đưa vào dự án luật là do cuộc sống thay đổi liên tục. Cho nên có những dự luật đòi hỏi Chính phủ phải trình Quốc hội xem xét thông qua ngay trong kỳ họp. “Và đây chính là đòi hỏi của cuộc sống mà chúng ta cần linh hoạt”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.