Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch

Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được các ngành, các cấp quan tâm, triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp để ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh và đã đạt được một số kết quả khả quan.

Mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng các ổ dịch mới phát sinh đã được các địa phương chủ động xử lý theo phương châm “4 tại chỗ”; việc lấy mẫu tầm soát trong cộng đồng bước đầu đã phát huy tác dụng, giúp phát hiện và tách F0 ra khỏi cộng đồng; công tác khám sàng lọc tại các cơ sở y tế được thực hiện tốt; công tác điều trị được phân tầng hợp lý; việc thực hiện giãn cách xã hội đã tạo điều kiện cho các địa phương rà soát kỹ hơn các khu vực và đối tượng nguy cơ…

Tuy nhiên, một số ngành, địa phương vẫn còn hạn chế trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như:

Việc xử lý ổ dịch có lúc, có nơi còn chậm (hoạt động điều tra, truy vết chưa đáp ứng yêu cầu, phong tỏa chưa đúng khu vực nguy cơ); việc tổ chức lấy mẫu tầm soát đối với các khu vực nguy cơ cao, nguy cơ rất cao còn chậm, việc lấy mẫu các đối tượng trong khu phong tỏa chưa đúng theo hướng dẫn; công tác xét nghiệm, chuyển mẫu xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm chậm;

Việc bố trí, điều phối F0 chưa kịp thời; công tác quản lý địa bàn chưa chặt chẽ, còn để người dân tổ chức các đám, tiệc tập trung đông người; hoạt động của các chốt, trạm, đội tuần tra, kiểm soát chưa nghiêm theo quy định, còn nhiều người dân ra đường không có lý do chính đáng, còn để người ngoài tỉnh vào địa bàn tỉnh không đúng quy định;

Việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại một số địa phương chưa nghiêm, chưa thực sự đảm bảo nguyên tắc cách ly người với người, gia đình với gia đình, “ai ở đâu, ở yên đó”; việc phân công, bố trí cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà chưa đúng theo quy định, chưa đảm bảo hiệu quả công việc; công tác giải quyết thủ tục hành chính công ở mức, độ 3, 4 chưa nhiều.

Những đánh giá về mặt kết quả cũng như hạn chế trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn 4612 về việc chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 ngày 18-8-2021 là hoàn toàn xác đáng.

Bên cạnh đó, trong dư luận nhân dân cũng nổi lên một số vấn đề đáng quan tâm như ở các điểm mua bán hàng thiết yếu thành thị lẫn nông thôn vào buổi sáng sớm ở một số nơi trong tỉnh còn xảy ra tình trạng mua bán đông người, không đảm bảo mức độ giãn cách theo quy định, dễ làm lây nhiễm dịch bệnh.

Các hoạt động phòng, chống dịch là rất cần thiết như lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin, kiểm tra giấy đi đường tại các chốt kiểm dịch, cách ly y tế, các hoạt động từ thiện… nhưng nếu tổ chức không khéo, không đảm bảo yêu cầu phòng dịch dẫn đến tập trung đông người dễ lây nhiễm bệnh.

Tổ Covid cộng đồng nhiều nơi hoạt động chưa hiệu quả. Người dân có tiếp xúc với yếu tố nguy cơ hoặc đi về từ vùng dịch chưa được phát hiện và khai báo y tế kịp thời.

Những thiếu sót, hạn chế trên đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chấn chỉnh kịp thời. Theo đó, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống dịch, không được lơ là, chủ quan. Ngành nào, cấp nào để xảy ra ổ dịch mới do chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và sẽ căn cứ mức độ để xử lý vi phạm theo quy định. Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, Ùy ban nhân dân các huyện, thành, thị xã có biện pháp khắc phục ngay những hạn, chế thiếu sót nêu trên nếu có xảy ra ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

M.T

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/su-kien-binh-luan/202108/tang-cuong-trach-nhiem-cua-nguoi-dung-dau-trong-cong-tac-phong-chong-dich-932746/