Tăng cường trách nhiệm, làm rõ thẩm quyền trong việc ban hành văn bản chi tiết

Tại Phiên họp giải trình, cung cấp thông tin việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tám sáng nay, 3.4, đại biểu đề nghị cần tăng cường trách nhiệm, làm rõ thẩm quyền trong việc ban hành văn bản chi tiết, nhất là trong bối cảnh đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, luật chỉ quy định những vấn đề khung, mang tính nguyên tắc, trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn sẽ tăng lên rất nhiều.

1.936/2.033 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 95,2%

Tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Trần Thị Nhị Hà trình bày dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp Tám, Quốc hội Khóa XV. Theo đó, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.033 kiến nghị của cử tri.

 Phiên họp giải trình, cung cấp thông tin việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV

Phiên họp giải trình, cung cấp thông tin việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát cho biết, nội dung kiến nghị cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, có một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như giáo dục đào tạo, lao động, việc làm, chính sách xã hội; y tế; giao thông, vận tải; nông nghiệp, nông thôn; tài nguyên, môi trường… Đến nay, 1.936/2.033 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 95,2%.

 Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: H. Ngọc

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: H. Ngọc

Theo đánh giá của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát, trong thời gian giữa hai kỳ họp, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành đã tập trung nghiên cứu, tiếp thu kiến nghị của cử tri trong hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát, quản lý điều hành.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu. Ảnh: H.Ngọc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu. Ảnh: H.Ngọc

Trong đó, tiếp thu kiến nghị của cử tri, Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới trong công tác xây dựng luật để các luật sau khi được ban hành bảo đảm tính khả thi, thực hiện ổn định lâu dài. Hoạt động giám sát tiếp tục thể hiện sự đổi mới liên tục, giám sát có trọng tâm, trọng điểm về những nội dung bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm.

Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã rất tích cực, tập trung chỉ đạo giải quyết, trả lời khối lượng rất lớn kiến nghị của cử tri. Nhiều Bộ, ngành có sự đổi mới trong việc tiếp nhận, nghiên cứu nên một số kiến nghị của cử tri được giải quyết nhanh chóng, góp phần giải quyết những vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm.

 Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Hoài Phương phát biểu. Ảnh: H.Ngọc

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Hoài Phương phát biểu. Ảnh: H.Ngọc

Một số kiến nghị liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân đã được Bộ, ngành nghiên cứu, giải quyết kịp thời, như: đề nghị mở rộng danh mục dịch vụ y tế và đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu; đề nghị quan tâm, có cơ chế hướng dẫn, hỗ trợ địa phương xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP về du lịch nông thôn; đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm gia tăng giá trị, chất lượng sản phẩm OCOP; việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản đã không còn phù hợp với thực tiễn liên quan đến công tác khắc phục hậu quả bão lũ để triển khai được linh hoạt, nhanh chóng và phù hợp với tình hình thực tiễn; việc sớm ban hành quy định mức hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho các đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ cần hỗ trợ về nhà ở.

 Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Bá Hoan phát biểu. Ảnh: H.Ngọc

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Bá Hoan phát biểu. Ảnh: H.Ngọc

Ngoài ra, có một số kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu tại báo cáo giám sát các Kỳ họp trước đã được quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời như: chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc; chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách; bổ sung quy định về tiêu chí, quy trình rà soát, xác định người lao động có thu nhập thấp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025…

 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu. Ảnh: H.Ngọc

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu. Ảnh: H.Ngọc

Bên cạnh đó, dự thảo Báo cáo cũng chỉ ra một số chính sách ưu đãi của Nhà nước chưa được triển khai trên thực tế do Bộ, ngành chậm xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện, ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách ưu đãi; quyền lợi hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng do quy định trong văn bản hướng dẫn thi hành chưa đầy đủ; một số kiến nghị cử tri về sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn, nhất là kiến nghị cần có sự phối hợp giữa các bộ còn chậm được giải quyết…

 Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu. Ảnh: H.Ngọc

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu. Ảnh: H.Ngọc

Bảo đảm giải quyết kiến nghị cử tri có chất lượng, đúng lộ trình

Các đại biểu tham dự phiên họp đánh giá các nội dung trong dự thảo Báo cáo đã bao quát toàn diện, có các nhận định mạnh mẽ, nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV. Các đại biểu đề nghị các Bộ, ngành khẩn trương rà soát, giải quyết các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri.

Chỉ rõ các tồn tại liên quan đến việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành và cho rằng, đại biểu đề nghị, để giải quyết dứt điểm vấn đề này, cần tăng cường trách nhiệm, làm rõ thẩm quyền trong việc ban hành văn bản chi tiết, nhất là trong bối cảnh đổi mới tư duy xây dựng pháp luật hiện nay, luật chỉ quy định những vấn đề khung, mang tính nguyên tắc, trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn sẽ tăng lên rất nhiều. Điều này đòi hỏi trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc bảo đảm tính kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn.

Tại Phiên họp, đại diện lãnh đạo các Bộ: Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch… đã giải trình các nội dung nêu trong Báo cáo.

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga khẳng định, Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tám rất quan trọng, được trình bày trong ngày khai mạc Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV, được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân theo dõi. Do đó, trên cơ sở ý kiến tại Phiên họp, Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát sẽ tổng hợp, nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng từng đánh giá, nhận định về ưu điểm, đặc biệt là hạn chế trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tám, để hoàn thiện Báo cáo trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín.

H.Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tang-cuong-trach-nhiem-lam-ro-tham-quyen-trong-viec-ban-hanh-van-ban-chi-tiet-post409196.html