Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Thời gian qua, công tác thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, từng bước đưa pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào cuộc sống, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp chân chính.
Cụ thể hóa Chỉ thị số 30/CT-TW
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD), năm 2019, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi NTD.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi NTD do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 24/9, cho biết, thông qua hội nghị sẽ triển khai cụ thể những nội dung về Chỉ thị số 30 và Nghị quyết số 82-NQ/TW một cách cụ thể nhất. Đồng thời, các địa phương có cơ hội chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai nội dung này.
Trình bày tại hội nghị, ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD thông tin, để triển khai thực hiện và sớm đưa Chỉ thị số 30 vào cuộc sống, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ chủ động, tập trung nguồn lực thực hiện các đề án, nhiệm vụ được giao một cách thiết thực, hiệu quả nhằm triển khai, cụ thể hóa các chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 30 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 82-NQ/TW, với nhiều nội dung.
Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, phát huy vai trò tiên phong, giám sát của chi bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ quyền lợi của NTD. Xây dựng và ban hành văn bản triển khai việc giám sát và đánh giá việc thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi NTD trong ngành Công Thương và ngành, lĩnh vực được phân công. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cho NTD trên nguyên tắc công khai, minh bạch và đa dạng hóa phương thức truyền thông. Đặc biệt, xây dựng Đề án tăng cường tuyên truyền, giáo dục phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của NTD cho đối tượng người tiêu dùng yếu thế: Trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, NTD ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa…
Đồng thời, xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo vệ NTD. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ NTD; không để lưu thông trên thị trường hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng hoặc có nguy cơ gây mất an toàn cho NTD. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong các hoạt động hợp tác về bảo vệ NTD trong khuôn khổ ASEAN, APEC và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia.
Với các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, Bộ Công Thương hy vọng sẽ tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần đưa việc đáp ứng các nhu cầu, nguyện vọng và bảo vệ quyền lợi của NTD thành trách nhiệm, động lực và lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Kinh nghiệm từ các địa phương
Theo số liệu từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD, hiện đã có 20 địa phương trên cả nước ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị 30-CT/TW và có 15 địa phương đã thực hiện triển khai Nghị quyết số 82-NQ/TW.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong quá trình triển khai Chỉ thị 30/CT-TW tại địa phương, ông Lê Minh Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng cho biết, Sở Công Thương đã dự thảo Chương trình hành động của UBND thành phố thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW với 7 nhiệm vụ trọng tâm và phân công trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ngành, địa phương thực hiện.
Trong đó, tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách và pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi NTD thông qua các Hội nghị tập huấn, đào tạo về quyền NTD trên địa bàn thành phố; đăng tin bài tuyên truyền về chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam tại địa phương… Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ NTD. Ngoài ra, NTD cũng phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định - ông Sơn nhấn mạnh.
Để đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD, năm 2019 - 2020, thành phố có khoảng trên 200 doanh nghiệp trên địa bàn ký cam kết với Sở Công Thương sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ đảm bảo quyền NTD; trên 1.000 hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ ký cam kết với Ban quản lý chợ, UBND các quận huyện đồng hành vì NTD. Đáng chú ý, năm 2019, Hội đo lường và bảo vệ quyền lợi NTD đã giải quyết 75 vụ khiếu nại, khiếu kiện, chủ yếu liên quan đến chế độ bảo hành sản phẩm. 6 tháng đầu năm 2020, Hội đã giải quyết 16 vụ khiếu nại trên địa bàn với tổng giá trị hàng hóa khiếu nại đã giải quyết xong là 202.000.000 đồng.
Bên cạnh những kết quả đặt được, ông Sơn cũng cho biết, do các văn bản được ban hành, chưa có hướng dẫn chi tiết gây khó khăn trong quá trình triển khai Chỉ thị 30 tại địa phương. Do đó, thông qua Hội nghị lần này, Hải Phòng nói chung và các địa phương khác sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn các văn bản này để triển khai thông suốt tới các đơn vị cơ sở nhằm thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 30.
Đồng quan điểm, đại diện Sở Công Thương Nam Định cho biết, thời gian tới tỉnh tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một cách rộng rãi trong toàn xã hội. Tăng cường trách nhiệm, sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm khắc, kịp thời các vi phạm về quyền lợi của người tiêu dùng. Tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, công cụ, biện pháp để từng bước nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Với các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, sẽ tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần đưa việc đáp ứng các nhu cầu, nguyện vọng và bảo vệ quyền lợi của NTD thành trách nhiệm, động lực và lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ Hội nghị, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho một số tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.