Tăng cường truyền thông, nâng cao vị thế trẻ em gái

Mới đây, tại TP. Nha Trang, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Khánh Hòa tổ chức cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Thế giới trẻ em gái”, thu hút gần 700 học sinh, sinh viên trong tỉnh tham gia. Thông qua những bức tranh tự vẽ, các em đã truyền tải thông điệp kêu gọi cộng đồng cần có trách nhiệm và quan tâm hơn đến tương lai của những trẻ em gái.

Những thông điệp ý nghĩa

Lần đầu tiên tổ chức, cuộc thi đã thu hút gần 50 đơn vị trường học từ cấp tiểu học đến THTP trong toàn tỉnh tham gia. Trong đó, có những trường có số lượng học sinh dự thi đông như: Tiểu học Vĩnh Hải 1 hơn 60 em; Tiểu học Vĩnh Nguyên 1 có 54 em; Tiểu học Phước Hòa 2 có 36 em; THCS Bùi Thị Xuân 31 em (các trường đều ở TP. Nha Trang)… và gần 100 thí sinh đăng ký tự do.

Ban tổ chức trao thưởng cho các cá nhân, tập thể đạt giải tại cuộc thi.

Ban tổ chức trao thưởng cho các cá nhân, tập thể đạt giải tại cuộc thi.

Các thí sinh tham gia thực hiện vẽ tranh trực tiếp tại cuộc thi theo các chủ đề: Mơ ước về thế giới tốt đẹp của trẻ em gái; kêu gọi chấm dứt tình trạng xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em gái; thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; quyền và bảo vệ quyền trẻ em gái; nói không với bạo lực gia đình, bạo lực trong cộng đồng và nhà trường đối với trẻ em gái; tác hại của bạo lực gia đình trên trẻ em gái; phòng, chống kỳ thị phân biệt đối xử với trẻ em gái…

Là một trong những thí sinh vẽ xong tranh khá sớm, bức tranh “Giấc mơ ôm trọn ánh sao” của em Nguyễn Huỳnh Thảo Nguyên (TP. Nha Trang) - thí sinh tự do để lại nhiều ấn tượng cho người xem. Trên khổ giấy A3, bức tranh sử dụng hình nền màu đen để làm nổi bật lên hình ảnh một bé gái đang dùng đôi tay của mình ôm trọn trong lòng một ngôi sao đang tỏa sáng. Chia sẻ về nội dung bức tranh, Thảo Nguyên cho biết: “Bức tranh em vẽ tượng trưng cho ước mơ về một thế giới tốt đẹp cho trẻ em gái. Màu xanh lam gợi lên sự yên bình và mơ mộng. Ngôi sao sáng trong lòng cô bé là biểu tượng cho khát vọng tương lai, niềm tin vào những thứ tốt đẹp trong cuộc sống. Hình ảnh cô gái ôm lấy ánh sao với sự dịu hiền và trân trọng thể hiện cho việc luôn giữ gìn mong muốn và ước mơ ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn”. Đạt giải nhất cá nhân, bức tranh với tên gọi “Quyền và bảo vệ trẻ em gái” của nhóm tác giả Lê Hải Trân - Nguyễn Phan Diệu Linh (Trường THCS Lương Định Của, TP. Nha Trang) truyền tải thông điệp về tương lai tươi sáng của trẻ em gái. Hình ảnh trong bức tranh thể hiện mong ước các em gái trên mọi miền đất nước được sống trong môi trường yêu thương, được học tập, lựa chọn ngành nghề mình yêu thích, có thể trở thành bác sĩ, kỹ sư, giáo viên và cả phi hành gia… Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao 29 giải thưởng cho các tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc.

Trẻ em gái cần được quan tâm nhiều hơn

Bà Trần Thị Kim Oanh - Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: “Cuộc thi được tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái (ngày 11-10). Đồng thời, cũng là thông điệp gửi đến cộng đồng trong việc định hướng, xây dựng tương lai tươi sáng cho tất cả các bé gái”.

Các thí sinh tham gia cuộc thi vẽ tranh “Thế giới trẻ em gái”.

Các thí sinh tham gia cuộc thi vẽ tranh “Thế giới trẻ em gái”.

Theo công bố của Liên hợp quốc, hiện nay, còn hàng triệu cô gái trên khắp thế giới không thể quyết định bản thân có thể làm gì, có thể đi đâu hay có thể trở thành ai. Quá nhiều trẻ em gái đang bị bỏ lại phía sau, phải đối mặt với những thách thức khắc nghiệt khiến các em bị tước đoạt quyền lợi, hạn chế lựa chọn và hạn chế tương lai. Ngày nay, cứ 5 phụ nữ trẻ trong độ tuổi từ 20 đến 24 thì có một người đã kết hôn khi còn nhỏ. Gần 1/4 trẻ em gái vị thành niên có bạn tình hoặc đã kết hôn, đã từng bị lạm dụng tình dục hoặc thể chất. Trên toàn cầu, 75% số ca nhiễm HIV mới ở thanh thiếu niên xảy ra ở trẻ em gái… Những năm gần đây, Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tỷ số giới tính khi sinh của cả nước năm 2018 là 115 bé trai/100 bé gái; tỷ số này giảm còn 113 bé trai/100 bé gái vào năm 2023. Cả nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng đã rất nỗ lực nhằm kéo giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy kết quả có giảm nhưng chưa bền vững và chưa đạt tỷ số như mong muốn. Tại Khánh Hòa, năm 2024, con số này là 109 bé trai/100 bé gái. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh để lại hậu quả xã hội nghiêm trọng, đó là tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai. Việc thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn dẫn đến tan vỡ cấu trúc gia đình truyền thống; số lượng và tỷ lệ nam giới không có khả năng kết hôn tăng; gia tăng bất bình đẳng giới, phụ nữ kết hôn sớm, tỷ lệ ly hôn, tái hôn cao; bạo hành giới…

Cuộc thi thu hút nhiều thí sinh tham gia.

Cuộc thi thu hút nhiều thí sinh tham gia.

Bà Trần Thị Kim Oanh cho biết: “Cuộc thi nhằm truyền thông nâng cao vị thế trẻ em gái, giảm thiểu tâm lý ưa thích con trai, chọn giới tính thai nhi. Đồng thời, đề cao nhiệm vụ của các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội và toàn dân trong việc quan tâm, cũng như nêu cao trách nhiệm của mình trong giáo dục, bảo vệ trẻ em gái. Đẩy mạnh việc thực hiện tốt quyền bình đẳng giới và tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em gái được học tập, sinh sống vì một tương lai tươi đẹp hơn”.

C.ĐAN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202410/tang-cuong-truyen-thong-nang-cao-vi-the-tre-em-gai-d8c7d14/