Tăng cường tự học: Đồng bộ giao nhiệm vụ, kiểm soát trên hệ thống

Tổ chức dạy học, ôn tập hiệu quả, đa dạng hình thức trao đổi... là giải pháp được các trường thực hiện nhằm hỗ trợ HS thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình mới.

Cô trò Trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân, Hà Nội) trong giờ học. Ảnh: Lan Anh

Cô trò Trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân, Hà Nội) trong giờ học. Ảnh: Lan Anh

Hỗ trợ tối đa

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được tổ chức theo quy chế mới, với cách ra đề có sự thay đổi nhằm đánh giá năng lực toàn diện thay vì chỉ kiểm tra khả năng ghi nhớ. Công thức tính điểm xét công nhận tốt nghiệp cũng khác, với điểm đánh giá quá trình học (học bạ) và kết quả thi tốt nghiệp THPT được tính theo tỷ lệ 50 - 50.

Thầy Vũ Đình Hà - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Năm nay, trường có 12 lớp với 635 học sinh cuối cấp. Đây là lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp THPT theo chương trình mới nên ban giám hiệu và các thầy cô đặc biệt quan tâm, hỗ trợ bằng nhiều giải pháp.

Hiện, nhà trường duy trì nghiêm túc việc giảng dạy chương trình các môn học theo đúng quy định, tuyệt đối không cắt xén, dạy học lệch. Với giáo viên bộ môn, nhà trường yêu cầu bám sát phương án cấu trúc định dạng và đề thi minh họa Kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT công bố để tổ chức ôn tập.

Ủng hộ quy định của Bộ GD&ĐT về công thức tính điểm xét tốt nghiệp THPT, thầy Hà cho rằng, tỷ lệ điểm học bạ tăng từ 30 lên 50%, sử dụng cả điểm lớp 10 và 11 thay vì chỉ dùng lớp 12 giúp đánh giá học sinh toàn diện hơn. Các em phải tập trung học ngay từ năm đầu cấp THPT. Điều này phù hợp với việc đánh giá năng lực của người học theo định hướng Chương trình GDPT 2018.

Thời điểm này, học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo đã xác định tinh thần yên tâm, tập trung cao độ cho việc học tập, ôn luyện đến hết năm học. Với sự điều chỉnh này, chắc chắn không khí thi đua học tập sẽ được duy trì đến ngày cuối cùng năm học.

Đồng quan điểm, thầy Trần Đình Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT A Bình Lục (Hà Nam) cho rằng, đổi mới phương thức xét tốt nghiệp THPT giúp tăng cơ hội đỗ tốt nghiệp và giảm áp lực thi cử cho học sinh. Hiện, nhà trường tập trung dạy và ôn tập cho học sinh chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Học sinh đã cơ bản nắm bắt được điểm mới của quy chế thi, nỗ lực học tập, ôn tập hướng tới các kỳ thi phía trước, đồng thời bố trí thời gian ôn thi các môn tự chọn như thế nào cho hợp lý; đồng thời, cần tập trung nhiều cho việc ôn tập đúng trọng tâm, trọng điểm, nhuần nhuyễn kiến thức đã học và có tinh thần tốt nhất để bước vào kỳ thi.

Trần Phương Thanh - học sinh lớp 12A1 Trường THPT A Bình Lục chia sẻ: Việc chỉ thi tốt nghiệp 4 môn tưởng chừng giúp chúng em giảm áp lực, nhưng lại kéo theo nỗi lo về số lượng tổ hợp xét tuyển đại học giảm có thể ảnh hưởng đến cơ hội tham gia xét tuyển. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ, tư vấn của thầy, cô giáo, em đã giải tỏa được những băn khoăn này.

Bên cạnh ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, em chuẩn bị một số phương án dự phòng như học thêm để thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và đăng ký tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực của một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức nhằm tăng cơ hội trúng tuyển đại học năm 2025.

 Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Sáng kiến từ vùng khó

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực đã tác động không nhỏ đến việc ôn tập của học sinh cuối cấp. Đặc biệt, ở vùng nông thôn, việc học thêm lâu nay chỉ diễn ra tại trường hoặc nhà giáo viên, các trung tâm rất hiếm. Thậm chí, huyện Mỹ Đức dù thuộc Thủ đô, nhưng chưa có trung tâm dạy thêm các môn văn hóa. Một thời gian dài quen với học thêm để ôn thi, giờ dừng lại, nhiều em thừa nhận khó tự học ở nhà.

Để giúp học sinh nắm vững kiến thức, ngoài lập nhóm Zalo hỗ trợ học sinh, cô Nguyễn Thị Huệ - Trường THPT Mỹ Đức C (Mỹ Đức, Hà Nội) còn tình nguyện bổ trợ ôn tập miễn phí cho học sinh đăng ký thi môn Công nghệ định hướng nông nghiệp từ 1 đến 2 buổi mỗi tuần. Trên lớp, cô tích cực giảng các nội dung trong bài học. Khi học sinh thắc mắc, cô sẵn sàng giải đáp cho các em.

“Từ năm trước khi ôn tập cho học sinh, tôi luôn chú ý phân loại và dạy kèm miễn phí. Với em có học lực kém thì kèm riêng để có thể tự tin vượt qua kỳ thi tốt nghiệp, còn những trò học khá thì giúp có thể đạt điểm cao lọt vào các trường tốp đầu”, cô Huệ nói.

Không chỉ kèm cặp trên lớp, cuối giờ, Nguyễn Thị Hải Yến - học sinh lớp 12A1, Trường THPT Mỹ Đức C và các bạn được thầy cô cho câu hỏi theo đề thi minh họa; dạy thêm miễn phí nếu học trò có nhu cầu. Nhờ đó, việc học không bị gián đoạn và Yến cảm thấy khá tự tin khi bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Theo chia sẻ của thầy Phạm Thanh Dương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 2 huyện Bảo Thắng (Lào Cai), do sớm nắm bắt tinh thần Thông tư 29, nhà trường chủ động cho học sinh nghỉ học thêm buổi chiều ngay sau Tết Nguyên đán. Trong tuần đầu tiên triển khai Thông tư 29, các hoạt động giáo dục nhanh chóng đi vào nền nếp. Cùng với giờ học chính khóa, sân thể thao nhộn nhịp hơn với các tiết học Giáo dục quốc phòng, hoạt động giáo dục thể chất, sinh hoạt câu lạc bộ. Đây là cách giúp các em ổn định tâm lý, tái tạo năng lượng để học tập tốt hơn.

Riêng đối với 288 học sinh khối 12, Trường THPT số 2 huyện Bảo Thắng hướng dẫn học sinh tự học, giao nhiệm vụ học tập - hướng dẫn - kiểm soát việc học của học sinh trên hệ thống OLM. Ngoài các lớp học miễn phí, học sinh có thể tận dụng tài nguyên học tập trực tuyến. Việc này giúp các em mở rộng nguồn tài liệu và cách thức học tập.

Thầy Phạm Thanh Dương cho biết, sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, trường xây dựng lại kế hoạch giáo dục bảo đảm đúng quy định. Việc ôn thi tốt nghiệp THPT được trường duy trì bình thường. Tất cả giáo viên đồng thuận dạy miễn phí ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12. Giáo viên từng bộ môn còn quan tâm hỗ trợ thường xuyên, giao bài tập về nhà và có kiểm tra đánh giá để nâng cao tinh thần tự học của các em.

Lan Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tang-cuong-tu-hoc-dong-bo-giao-nhiem-vu-kiem-soat-tren-he-thong-post725053.html