Tăng cường tuyên truyền Luật Thủy sản cho người dân

Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 với nhiều điểm mới, được đánh giá là 'bước ngoặt' đối với ngành thủy sản nước ta, nhằm chuyển hướng từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để ngành Thủy sản Việt Nam gỡ 'thẻ vàng' của Ủy ban châu Âu (EC). Vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản đến với rộng rãi ngư dân trên địa bàn tỉnh cần được tăng cường, chú trọng.

 Việc tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc Luật Thủy sản 2017 là cần thiết để tiến tới gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam

Việc tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc Luật Thủy sản 2017 là cần thiết để tiến tới gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam

Vừa trở về từ chuyến biển đánh bắt thủy sản ở ngư trường Hoàng Sa, thuyền trưởng tàu Việt Chiến 09 mang số hiệu QT 98888 TS Bùi Khánh Duy, Khu phố 6, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh tranh thủ thời gian tuyên truyền Luật Thủy sản cho các bạn thuyền. Vì Luật Thủy sản năm 2017 có nhiều điểm mới so với Luật Thủy sản năm 2003 nên sau khi được tập huấn kiến thức, anh Duy tích cực tuyên truyền lại cho bạn thuyền biết những kĩ năng khai thác thủy sản an toàn trên biển. Tàu Việt Chiến 09 có chiều dài 30,8m, rộng 7,8m, chiều cao mạn 3,6m, công suất 829 CV, hành nghề lưới chụp chủ yếu ở ngư trường Hoàng Sa, với 12 bạn thuyền. Theo quy định của Luật Thủy sản 2017, ngày 13/8/2019 vừa qua, tàu Việt Chiến 09 được Chi cục Thủy sản hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và hướng dẫn cách sử dụng.

Anh Duy cho hay, giữa tháng 8 vừa qua, anh cùng gần 30 thuyền trưởng, chủ tàu cá trong vùng được Chi cục Thủy sản tập huấn Luật Thủy sản năm 2017 tại hội trường UBND thị trấn Cửa Việt. Qua lớp tập huấn, anh biết thêm những điểm mới trong Luật Thủy sản 2017 như: Không được tắt máy giám sát hành trình khi đang khai thác thủy sản; nếu thiết bị giám sát hành trình bị hư hỏng thì phải vào bờ sửa chữa trong vòng 10 ngày; thông tin đăng kí, đăng kiểm tàu thuyền không được quá hạn; mỗi khi cập bờ là phải đăng kí kê khai những thông tin cần thiết với ban quản lí cảng cá; không khai thác thủy sản bất hợp pháp… “Từ trước tới nay, chúng tôi đã tuân thủ nghiêm túc các quy định của Luật Thủy sản năm 2003 nên Luật Thủy sản 2017 mặc dù có những điểm mới nhưng tôi thấy cũng hợp lí và sẽ tuân thủ nghiêm túc”, anh Duy khẳng định.

Thị trấn Cửa Việt là một trong những địa phương trong tỉnh có nhiều tàu thuyền với 226 chiếc; trong đó, tàu có công suất trên 90 CV đánh bắt xa bờ 98 chiếc, còn lại là tàu có công suất dưới 90CV. Toàn thị trấn hiện có trên 900 lao động biển. Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt Trần Đình Cảm cho biết, điểm mới trong Luật Thủy sản 2017 là quy định tàu có chiều dài từ 15m trở lên phải khai thác ở vùng khơi, dưới 15m khai thác ở vùng lộng chứ không phụ thuộc vào công suất máy như trước. Trước quy định mới này, một số chủ tàu đã chủ động cải hoán tàu thuyền cho phù hợp với quy định để đảm bảo trong quá trình khai thác. “Từ đầu năm đến nay, thị trấn đã phối hợp với Chi cục Thủy sản mở 3 lớp tập huấn Luật Thủy sản cho các thuyền trưởng và máy trưởng trên địa bàn. Sắp tới, thị trấn sẽ tiếp tục đề xuất với Chi cục Thủy sản hỗ trợ, mở thêm nhiều lớp tập huấn nữa để ngư dân nắm chắc Luật Thủy sản 2017 nhằm đảm bảo an toàn cho ngư dân trong quá trình đánh bắt, khai thác thủy sản”, ông Cảm cho hay.

Trao đổi với chúng tôi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Hoài Nam cho biết, Luật Thủy sản 2017 gồm 9 chương, 105 điều, giảm 1 chương và tăng 43 điều so với Luật Thủy sản 2003. Về cơ bản, tên các chương, các điều không thay đổi, có một chương mới được bổ sung là chương kiểm ngư. Luật Thủy sản 2017 là “bước ngoặt” quan trọng chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, đáp ứng bối cảnh các thị trường thế giới đang đặt ra nhiều rào cản kĩ thuật cho ngành Thủy sản Việt Nam. Sau khi Luật Thủy sản có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành 2 nghị định và 8 thông tư về việc hướng dẫn thực hiện những nội dung chi tiết trong Luật Thủy sản. Đầu năm 2019, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tổ chức hội nghị cấp tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn về nội dung Luật Thủy sản và các nghị định, thông tư hướng dẫn. Bên cạnh đó, từ đầu năm tới nay, chi cục đã tổ chức trên 20 lớp tập huấn cho khoảng 1.000 người dân vùng biển về Luật Thủy sản 2017.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Luật Thủy sản 2017 có nhiều điểm mới so với Luật Thủy sản 2003 như: Quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; quy hoạch về bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản; quy định quyền cấp hạn ngạch khai thác về các địa phương; quy định về quản lí tàu cá và quy định về xã hội hóa đăng kiểm tàu cá; luật hóa các nội dung liên quan IUU (đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định), trong đó có khuyến nghị của EC đối với thủy sản Việt Nam. Theo đó, sau khi luật có hiệu lực, tất cả các thông tin và dữ liệu sẽ được chuẩn hóa, số hóa bằng khoa học công nghệ, được xây dựng thống nhất từ trung ương đến địa phương. Nhà nước giao quyền quản lí cho tổ chức cộng đồng cùng chia sẻ trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Người dân, hội, hiệp hội… tham gia cùng với chính quyền cơ sở quản lí hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong quản lí hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, là giải pháp hữu hiệu giảm xung đột lợi ích trong cộng đồng và góp phần phát triển bền vững.

Định kì 5 năm thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản để bảo vệ và khai thác có hiệu quả, bền vững nguồn lợi thủy sản. Luật Thủy sản 2017 đã bổ sung quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác đối với một số loài cá di cư xa và loài thủy sản có tập tính kết đàn. Trên cơ sở hạn ngạch Bộ Nông nghiệp và PTNT giao, UBND cấp tỉnh, thành phố sẽ tổ chức cấp phép hạn ngạch trong phạm vi quản lí. Các tỉnh xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản và sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lí. Luật cũng quy định thu hồi giấy phép khai thác đối với cá nhân, tổ chức khai thác trái phép ở vùng biển ngoài Việt Nam. Quy định chặt chẽ về điều kiện không cấp lại giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân có tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác IUU, hoặc không có thiết bị giám sát hành trình (đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, trong đó tàu 24m trở lên phải có giám sát hành trình cập nhật tự động). Ngoài ra, luật cũng quy định quản lí đối với sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam…

Mặc dù Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành 2 nghị định, 8 thông tư hướng dẫn thực hiện nhưng trong thực tế, việc tuyên truyền, phổ biến, đưa Luật Thủy sản 2017 vào thực tiễn vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định như: Trang thiết bị, cơ sở hạ tầng nghề cá còn thô sơ, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế khi chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm; người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc thực hiện Luật Thủy sản trong khai thác, đánh bắt thủy sản; các chính sách quản lí còn chồng chéo; an ninh vùng biển còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập…

“Việc triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017 là rất cần thiết. Vì vậy, thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản đến với người dân vùng biển; xây dựng và rà soát lại các kế hoạch, chủ trương sao cho phù hợp với quy định của luật để sớm hòa nhập với luật quốc tế, từ đó tiến tới góp phần gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam”, ông Nam cho biết thêm.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142364