Tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động cứu trợ

Khắc phục hậu quả thiên tai là một trong bốn khâu quan trọng trong chu trình quản lý thiên tai của Nhật Bản (giảm nhẹ, chuẩn bị, ứng phó, khắc phục hậu quả). Chính quyền Nhật Bản đã xây dựng nhiều chính sách sáng tạo nhằm bảo đảm hoạt động ứng phó, cứu trợ và phục hồi hiệu quả cho những nạn nhân và khu vực bị ảnh hưởng.

Container công nghệ cao

Sau trận động đất ngày 1.1.2024 tại bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa, miền Trung Nhật Bản, những container đa chức năng được trang bị đầy đủ tiện ích thiết yếu đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các cộng đồng chịu ảnh hưởng. Các container tiên tiến này, tích hợp nhà vệ sinh, vòi hoa sen, máy phát điện và hệ thống lọc nước, đóng vai trò then chốt trong nỗ lực cứu trợ sau thiên tai, đặc biệt tại các trạm dừng nghỉ ven đường (tiếng Nhật gọi là michi no eki).

Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản (MLITT) khuyến khích sử dụng loại container nói trên nhằm nâng cao khả năng phòng ngừa và ứng phó với thảm họa tại các trạm dừng nghỉ, nhấn mạnh vào tính linh hoạt và khả năng triển khai nhanh chóng của chúng.

 Một container được sử dụng làm nhà vệ sinh tạm thời tại một trạm dừng nghỉ ven đường ở Anamizu, Tỉnh Ishikawa, vào tháng 1.2024 sau trận động đất tại Bán đảo Noto

Một container được sử dụng làm nhà vệ sinh tạm thời tại một trạm dừng nghỉ ven đường ở Anamizu, Tỉnh Ishikawa, vào tháng 1.2024 sau trận động đất tại Bán đảo Noto

Những container với hệ thống lọc vi khuẩn và máy phát điện năng lượng mặt trời được đánh giá là giải pháp thiết yếu. Trong vòng 2 tháng sau động đất, 44 container đã được các công ty tư nhân và chính quyền địa phương cung cấp cho tỉnh Ishikawa. Không chỉ phục vụ như nhà vệ sinh, chúng còn được cải tiến thành phòng khám dã chiến, tiệm giặt là, và thậm chí là nơi trú ẩn tạm thời cho người dân buộc phải di dời. Tính thích ứng cao giúp container trở thành công cụ quan trọng trong việc cung cấp cứu trợ khẩn cấp, đồng thời nâng cao khả năng ứng phó thảm họa trong tương lai.

Lâu nay, chiến lược cứu trợ thiên tai của MLITT đã bao gồm việc sử dụng các trạm dừng nghỉ ven đường như trung tâm phòng ngừa thảm họa. Những cơ sở này được yêu cầu dự trữ thực phẩm khẩn cấp và các mặt hàng cần thiết khác cho nơi trú ẩn tạm thời. Năm 2021, MLITT chỉ định 39 trạm dừng nghỉ cho mục đích trên, đồng thời có kế hoạch mở rộng lên gần 100 trạm, để mỗi tỉnh trong số 47 tỉnh của đất nước sẽ có một hoặc hai trạm. Tiêu chí để chỉ định bao gồm vị trí gần các nút giao thông cao tốc hoặc gần các tuyến đường quan trọng khác về mặt hậu cần, vì các michi no eko được chọn sẽ được sử dụng làm điểm trung chuyển vận chuyển hàng hóa trong trường hợp thiên tai hoặc tình huống khẩn cấp khác.

Tuy nhiên, tiến độ phát triển còn chậm do những tiêu chuẩn khắt khe mà chính quyền địa phương phải đáp ứng, từ khả năng chống động đất, hệ thống thông tin liên lạc đến cơ sở hạ tầng cung cấp nước và bãi đỗ xe. Thêm vào đó, quy định về việc triển khai container thay đổi tùy thuộc vào việc chúng được phân loại là phương tiện hay công trình xây dựng, vốn phải tuân thủ các tiêu chuẩn pháp lý khác nhau. Để giải quyết vấn đề đó, MLITT đã ban hành hướng dẫn vào tháng 4.2024, cung cấp quy định chi tiết cho chính quyền địa phương về cách triển khai container trong tình huống thảm họa, cũng như cách sử dụng chúng làm nhà vệ sinh, phòng tắm và khu vực nghỉ ngơi trong điều kiện bình thường.

Thiết bị bay không người lái

Nhật Bản đã sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) như một phần quan trọng trong chiến lược ứng phó và khắc phục hậu quả thảm họa, đặc biệt tại những khu vực xa xôi và khó tiếp cận. Việc sử dụng drone thành công trong trận động đất ở Bán đảo Noto hồi đầu năm đã chứng minh tiềm năng cách mạng hóa các hoạt động cứu trợ thảm họa của chúng. Drone tham gia nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ khảo sát các khu vực bị thiên tai, cung cấp nhu yếu phẩm, giám sát các mối nguy hiểm về môi trường đến hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn.

Chẳng hạn, được trang bị camera có độ phân giải cao và công nghệ ảnh nhiệt, drone giúp chụp ảnh chi tiết các khu vực bị ảnh hưởng. Điều đó cho phép các cơ quan chức năng nhanh chóng đánh giá mức độ thiệt hại, tìm ra vị trí của những người sống sót, xác định các tuyến đường bị cắt đứt và những nơi cần được giúp đỡ khẩn trương nhất. Bên cạnh đó, các thiết bị bay không người lái này còn có thể vận chuyển thuốc men, nước, thực phẩm và bộ sơ cứu đến các cộng đồng bị cô lập do cơ sở hạ tầng bị hư hại, nhất là những khu vực đường sá bị chặn lấp hoặc lở đất. Khả năng phản ứng nhanh bảo đảm rằng, những người sống sót có thể tiếp cận y tế nhanh mà không phải chờ đợi lực lượng hỗ trợ trên mặt đất, vốn có thể mất hàng giờ, hàng ngày mới đến được với họ. Các drone cũng có thể được triển khai để giám sát các rủi ro như lở đất, lũ lụt hoặc hỏa hoạn… Với khả năng truyền dữ liệu trực tiếp, drone giúp chính quyền theo dõi tình hình và đưa ra quyết định kịp thời. Thực tế, sau trận động đất, máy bay không người lái đã được sử dụng để giám sát khu vực Bán đảo Noto để tìm dấu hiệu của lở đất thứ cấp hoặc địa hình không ổn định. Dữ liệu thời gian thực này cho phép các quan chức cảnh báo và sơ tán người dân kịp thời, ngăn ngừa thêm thương vong do thảm họa thứ cấp.

Tuy nhiên, việc sử dụng drone trong cứu hộ vẫn gặp khó khăn về pin và khả năng hoạt động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ngoài ra, Luật Hàng không của Nhật Bản ban đầu cấm sử dụng drone trong các thảm họa lớn, vì lo ngại rằng chúng có thể gây nhiễu cho trực thăng cứu hộ và các dịch vụ khẩn cấp khác. Trong trận động đất Noto, các nhà điều hành đã phải xin phép đặc biệt từ chính quyền địa phương. Dẫu vậy, thành công của các hoạt động thiết bị bay không người lái ở đây đã làm nổi bật tầm quan trọng của tốc độ trong ứng phó thảm họa. Một phản ứng nhanh chóng, được tổ chức tốt có thể tạo nên sự khác biệt giữa sự sống và cái chết. Tháng 6.2024, Thủ tướng Nhật Bản Kishida cam kết sẽ thúc đẩy việc sử dụng drone sáng tạo hơn trong công tác cứu trợ tương lai. Hiệp hội phát triển công nghiệp thiết bị không người lái Nhật Bản (JUIDA) đang mở rộng quan hệ đối tác với cả khu vực công và tư nhân. Bằng cách phối hợp với Lực lượng Phòng vệ mặt đất (GSDF) và chính quyền địa phương, JUIDA đặt mục tiêu xây dựng một mạng lưới các khu vực sẵn sàng sử dụng drone trên khắp Nhật Bản.

Linh Anh (Tổng hợp)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tang-cuong-ung-dung-cong-nghe-trong-hoat-dong-cuu-tro-post391027.html