Tăng cường ứng phó với mưa rét đầu vụ đông xuân

Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đang tập trung gieo sạ lúa. Tình trạng rét đậm và ngập úng có thể làm ảnh hưởng các ruộng chưa gieo cũng như những trà lúa mới gieo. Cùng với đó, nguy cơ dịch bệnh phát sinh, gây hại trên các loại cây trồng là rất lớn. Để đảm bảo sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021 thắng lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường cán bộ về cơ sở, phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân gieo cấy đảm bảo thời vụ và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

 Ngâm ủ giống lúa đúng kỹ thuật, chuẩn bị cho vụ mùa mới - Ảnh: V.T

Ngâm ủ giống lúa đúng kỹ thuật, chuẩn bị cho vụ mùa mới - Ảnh: V.T

Trao đổi với chúng tôi kỹ sư Cáp Thị Liên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Trong vụ đông xuân, điều kiện thời tiết mưa rét, nhiệt độ thấp sẽ làm giảm tỉ lệ nảy mầm của hạt giống. Để tăng khả năng nảy mầm, nông dân cần thực hiện các biện pháp sau: Ngâm hạt giống bằng nước ấm (3 sôi, 2 lạnh) hoặc ngâm với nước có hòa loãng phân lân super 5%; cho hạt giống hút no nước trong vòng 48 giờ ( 2 ngày 2 đêm). Để phòng các đối tượng như rầy các loại, bọ trĩ, rệp mềm đầu vụ, nông dân có thể xử lý hạt giống bằng các loại thuộc như Cruizer plus, Map silo… Giống cần ủ ấm ngay ban đầu bằng cách ủ lên trên bao giống các loại như bao tải, rơm, rạ… trong điều kiện nhiệt độ thấp, có thể tận dụng nguồn nhiệt bằng cách ủ giống gần bếp. Nếu hạt giống đã nảy mầm mà gặp điều kiện thời tiết bất lợi (mưa rét, nhiệt độ dưới 18 độ C) không gieo sạ được, cần trải mỏng hạt giống đã nảy mầm ra giữa sàn nhà để hạn chế giống ra mầm, ra rễ, khi thời tiết ấm mới tiến hành gieo sạ giống ra ruộng.

Sau gieo, nông dân cần điều chỉnh nước phù hợp, tăng cường khơi thông rãnh nước, chuẩn bị các loại phương tiện (máy bơm đủ công suất...) để kịp thời đấu úng khi cần thiết. Chuẩn bị lượng giống dự phòng để tổ chức gieo lại diện tích bị ngập úng, chết, không có khả năng phục hồi. Khi thời tiết rét, cần đưa nước vào ruộng ngập 2/3 cây lúa để giữ ấm cho cây, không để ruộng khô nước trong những ngày rét đậm, rét hại; khi trời ấm giữ mực nước trong ruộng 2 - 3 cm để kích thích lúa đẻ nhánh; chú ý tăng cường bón phân chuồng hoai mục, phân lân, tro bếp nguội để chống rét cho lúa.

Một trong những nguyên nhân chính gây thiệt hại cho đàn vật nuôi là sự chủ quan, thiếu chuẩn bị chu đáo của người chăn nuôi về tiêm phòng, chuồng trại, dự trữ thức ăn, chế độ chăm sóc nuôi dưỡng trong mùa đông. Để chủ động phòng, chống đói, rét hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các đơn vị chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi tại địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh vật nuôi; tiếp tục tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi mới và những địa bàn có tỉ lệ tiêm phòng thấp.

Kỹ sư Đoàn Trần Anh Minh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo: Trong mùa mưa rét, nông dân cần có kế hoạchphòng, chống rét cho đàn vật nuôi của gia đình mình. Đối với đàn trâu bò, trong mùa mưa rét người chăn nuôi cần chủ động gia cố, che chắn đảm bảo chuồng trại đủ ấm; tránh không bị mưa tạt, gió lùa làm ẩm, ướt chuồng; sử dụng rơm,cỏ,lá chuối, bẹ ngô... khô để lót nền chuồng; dự trữ củi, trấu, mùn cưa... để đốt, sưởi ấm cho trâu, bò trong những ngày rét đậm, rét hại. Dự trữ thức ăn, rơm cỏ khô, thức ăn tinh, chế biến các phụ phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn trâu bò. Chuẩn bị thức ăn tinh (bột ngô, sắn, cám gạo...), khoáng, vitamin để cung cấp đủ dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho gia súc trong những ngày giá rét. Cho gia súc ăn đủ lượng cỏ các loại (cỏ xanh, cỏ ủ hoặc rơm khô...) với lượng bằng 10-15% trọng lượng cơ thể (khoảng 25 - 30kg/con/ngày cho trâu bò trưởng thành) và bổ sung thêm thức ăn tinh (bột ngô, sắn, cám gạo...) khoảng 1-2 kg trong một ngày, đêm đối với 1 trâu, bò trưởng thành. Bổ sung muối ăn với lượng 15g/con (tương đương với 3 thìa cà phê) bằng cách hòa vào nước uống (nước ấm là tốt nhất) cho trâu, bò uống để tăng sức đề kháng và chống lạnh.

Khi rét đậm, rét hại tuyệt đối không thả rông trâu, bò. Phải chủ động đưa trâu, bò về nhốt trong chuồng kín gió, nền chuồng khô ráo. Khi nhiệt độ xuống quá thấp phải sưởi ấm cho trâu, bò vào ban đêm. Dùng xô, chậu cũ để đựng củi trấu, nhóm củi bén ở ngoài chuồng cho bớt khói rồi mới đưa vào trong chuồng. Có thể sử dụng các tấm chăn, áo, bao tải gai đã cũ để làm áo chống trét cho trâu bò. Không cho trâu, bò làm việc ngoài trời khi nhiệt độ dưới 12 độ C (nhất là ở vùng núi). Thường xuyên vệ sinh chuồng trại và thay hoặc bổ sung chất độn chuồng khi thấy ẩm ướt. Cách ly, chăm sóc tốt trâu, bò yếu, ốm trong những ngày giá rét; tăng cường vệ sinh, tiêu độc khử trùng, định kỳ phun thuốc khử trùng 2-3 tuần/lần để hạn chế mầm bệnh phát triển. Ngoài ra, người chăn nuôi cần cập nhật kịp thời và thường xuyên thông tin diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động trong việc phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi.

Việt Toàn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154816