Tăng cường vai trò của nữ nghị sĩ AIPA trong việc bảo đảm việc làm và thu nhập cho lao động nữ
Trong khuôn khổ các hoạt động của Đại hội đồng AIPA 41, chiều 8/9, tại Trung tâm hội nghị Quốc tế, Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA với chủ đề: 'Tăng cường vai trò của nữ nghị sĩ trong việc bảo đảm việc làm và thu nhập cho lao động nữ'.
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội, Chủ tịch nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng chủ trì Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội, Chủ tịch nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng chủ trì Hội nghị. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thúy Anh điều hành chương trình nghị sự.
Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới
Phát biểu khai mạc Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA (WAIPA), Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội, Chủ tịch nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng cho biết: “Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc cải thiện chính sách, tạo môi trường bình đẳng cho phụ nữ, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là ở lĩnh vực lao động, việc làm”.
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh: "Năm 2019, chúng tôi đã tiến hành sửa đổi Bộ luật Lao động và một số luật liên quan để những quy định về lao động - việc làm đối với lao động nữ tập trung vào việc đảm bảo những quyền lợi cơ bản của người lao động và nâng cao năng lực thực thi chính sách về việc làm, thu nhập đối với lao động nữ. Trong những năm tới, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát để đảm bảo bình đẳng giới thực chất và không ai bị bỏ lại phía sau".
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam đặt vấn đề: "Số liệu mới cập nhật của Tổ chức Lao động quốc tế ILO cho thấy vẫn tồn tại sự bất bình đẳng dai dẳng giữa phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận thị trường lao động, tình trạng thất nghiệp và điều kiện làm việc. Đại dịch COVID-19 gây tác động nghiêm trọng đến đối tượng lao động nữ, gần 510 triệu, tức 40% số lao động nữ toàn cầu, hiện đang làm việc trong bốn lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi đó chỉ có 36,6% lao động nam đang làm trong các ngành nêu trên."
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng đề nghị việc xóa bỏ khoảng cách giới trong việc làm cần được các đoàn nghị viện thảo luận, thống nhất ưu tiên hàng đầu nều muốn đạt được quyền bình đẳng cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái vào năm 2030.
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam mong muốn các Nghị viện thành viên sẽ góp phần thúc đẩy việc hiện thực hóa các cam kết toàn cầu và khu vực cũng như khuôn khổ pháp luật quốc gia trong lĩnh vực này.
Nữ Nghị sỹ Quốc hội Brunei phát biểu tại Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA - Ảnh: Hữu Kế
Nhiều giải pháp thúc đẩy vai trò của nữ giới
Tại Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA với chủ đề “Vai trò nữ nghị sỹ trong việc đảm bảo việc làm và thu nhập của lao động nữ”, đại diện nghị viện các nước phát biểu khẳng định những tiến bộ mà các nước đạt được, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp nhằm thúc đẩy vai trò của nữ giới, đặc biệt trong vấn đề tiếp cận việc làm và đảm bảo thu nhập.
Phát biểu mở đầu Hội nghị, đại diện Quốc hội Brunei cho biết, chính phủ Brunei nhận thức được vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc phát triển quốc gia và luôn ưu tiên chủ đề này trong các chương trình nghị sự quốc gia.
“Hiện nay, chúng tôi có một kế hoạch hành động đặc biệt cho vấn đề phụ nữ và trẻ em. Chúng tôi nghiên cứu phát triển các vấn đề liên quan đến phụ nữ trong quốc gia của mình, đề cao việc tiếp cận bình đẳng cho cả hai giới với giáo dục hay nghề nghiệp và các ngành lĩnh vực tương tự. Tỷ lệ phụ nữ có việc làm ở Brunei đã tăng lên tới 89% vào năm 2019 trong đó phụ nữ cũng chiếm tới 62% lực lượng lao động của chúng tôi”, đại diện Đoàn Brunei khẳng định.
“Tuy nhiên, các nghiên cứu đã cho thấy rằng phụ nữ đang phải gặp phải những rủi ro lớn hơn, rủi ro mất việc lớn hơn do đại vị dịch COVID-19. Chúng tôi đã đề ra một số biện pháp để có thể đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người dân trong đó cũng bảo vệ việc làm của người dân và tiếp tục hỗ trợ các cá nhân kể cả phụ nữ”.
Nữ nghị sỹ đại diện cho Malaysia chia sẻ, chính phủ Malaysia nhận thức sự hỗ trợ là cần thiết cho phụ nữ tại Malaysia, đồng thời khẳng định chính phủ nước này luôn thúc đẩy để bảo đảm bảo vệ quyền phụ nữ theo “Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh” năm 1995.
Nghị sỹ Malaysia chia sẻ, phụ nữ chiếm gần 30% trong các tổ chức chính trị xã hội, và phụ nữ hiện diện ngày càng nhiều trong lĩnh vực kinh doanh, với rất nhiều phụ nữ là các giám đốc và Chủ tịch hội đồng quản trị của các công ty.
Đại diện Đoàn Quốc hội Singapore đánh giá cao chủ đề của Hội nghị Nữ nghị sỹ, khẳng định thời gian qua, Singapore đã đạt được nhiều thành tựu nhất định về khuyến khích phụ nữ tham gia vào các hoạt động của quốc hội.
“Hiện Singapore đã có gần 30% các nghị sĩ nữ. Cách tiếp cận của Singapore là hướng tới những giá trị của từng người một cách hoàn toàn bình đẳng. Cơ hội là bình đẳng cho cả nam và nữ và cần được tiếp cận một cách bình đẳng với những nguồn lực cần thiết như việc làm và giáo dục. Phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng trong lực lượng lao động của Singapore chiếm tới hơn 40% lực lượng lao động. Phụ nữ ngày càng thể hiện sự tích cực và chủ động của mình trong xã hội Singapore. Chúng tôi có công ước để loại bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1995 và chúng tôi tiếp tục theo dõi sát sao để thực hiện, cam kết đạt được mục tiêu đề ra”, đại diện Đoàn Singapore nhấn mạnh.
Đề cập đến nghị quyết thúc đẩy vai trò của Nữ nghị sỹ trong việc đảm bảo việc làm và thu nhập của lao động nữ, đại diện Quốc hội Philippines cho rằng, các nước cần nỗ lực để có thể tránh được những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, tìm ra các biện pháp thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong việc tiếp cận thị trường lao động giữa nam và nữ.
“Nếu chúng ta thông qua được nghị quyết này, chúng ta sẽ có được một nền tảng để có thể thiết lập những điều luật thực hiện các mục tiêu. Trong đó, có việc trao quyền cho phụ nữ, nâng cao quyền phụ nữ. Đây là vấn đề không thể xem nhẹ được, nhất là chúng ta đang xây dựng một cộng đồng ASEAN. Chúng tôi đã có kinh nghiệm và đã có nhiều sáng kiến để nâng cao vai trò của phụ nữ, trong đó có vấn đề về nhân quyền của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế”, đại diện Đoàn Quốc hội Philippines chia sẻ.
Đại diện Nghị sỹ đoàn Thái Lan tham gia Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA - Ảnh: BTC
Đại diện nữ nghị sỹ Thái Lan đặc biệt nhấn về về việc thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền phụ nữ theo Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995. Thái Lan cũng có Hiếp pháp bảo vệ bình đẳng giới. Chính phủ nước này có các chính sách cung cấp ngân sách để đảm bảo bình đẳng giới. Thái Lan cũng đã thành lập Ủy ban về công bằng giới và tránh phân biệt đối xử.
Đại diện Thái Lan nhấn mạnh, trong bối cảnh COVID-19 ảnh hưởng tới nền kinh tế, các doanh nghiệp gặp khó khăn khiến hàng trăm ngàn người trong đó có phụ nữ gặp khó khăn. Nhất là những người mẹ đơn thân. Trong bối cảnh này, Thái Lan đã có nhiều chính sách triển khai để hỗ trợ cho lao động nữ.
Chính phủ Thái Lan có chính sách hỗ trợ lao động nữ và người mới ra trường 3.000 bath, bên cạnh các hỗ trợ về lương bổng.
Sau 2 tiếng trình bày và thảo luận sôi nổi, Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA đã khép lại với sự đồng thuận khi thông qua Nghị quyết về "Thúc đẩy vai trò của Nữ nghị sỹ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ".
Sau phần Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA, chương trình nghị sự của Đại hội đồng AIPA 41 trong ngày 8/9 tiếp tục với Hội nghị lần thứ nhất của Nghị sỹ trẻ AIPA.
Theo kế hoạch, trong 3 ngày 8-10/9, Đại hội đồng AIPA sẽ diễn ra một số hoạt động như: Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA; Họp Ủy ban Chính trị; Họp Ủy ban Kinh Tế; họp Ủy ban Xã hội; họp Phiên toàn thể thứ 2. Lễ bế mạc Đại hội đồng AIPA 41 dự kiến diễn ra vào cuối giờ sáng ngày 10/9.