Tăng cường xử lý sử dụng xung điện tận diệt nguồn lợi thủy sản

Vào những tháng mùa mưa, các loại cá, tôm từ những con sông lớn đi lên kênh rạch, các cánh đồng trũng ngập nước để sinh sản và phát triển đến khi nước rút. Biết được quy luật đó, nhiều người đánh bắt cá, tôm bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có sử dụng xung điện. Một số người ở các vùng nông thôn 'canh' khi không thấy chính quyền địa phương là vác xung điện đi đánh bắt cá, tôm cải thiện cuộc sống, ngày nào được nhiều tôm, cá thì đem bán kiếm thêm thu nhập. Hiện nay, kích điện được chế tạo với công suất và sức hủy diệt ngày càng lớn, thậm chí có cả loại kích điện tử siêu nhạy, trong khi việc đánh bắt cá, tôm bằng xung điện bị nghiêm cấm, vì khai thác mang tính chất tận diệt, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và làm mất cân bằng sinh thái.

Anh T.H.T, ngụ ấp An Bình, thị trấn An Lạc Thôn (Kế Sách) cho biết: “Bây giờ mà sử dụng chài, lưới đánh bắt cá giống như ngày xưa biết chừng nào mới đủ ăn. Cứ rảnh là tôi vác xiệt điện đi một vòng các kênh rạch gần nhà sẽ đủ cá ăn cả ngày. Mùa mưa cá từ sông lên kênh rạch, đồng trũng nước ngập tìm nơi sinh sản nhiều lắm. Trên thị trường bán nhiều loại xiệt cá khác nhau, có loại từ 10 - 12 con sò, có bán kính hoạt động từ 8 - 10m, cá lớn cỡ nào cũng chết”.

Người dân sử dụng xung điện để đánh bắt tôm, cá trên kênh rạch (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: THÚY LIỄU

Theo quan sát của chúng tôi, bộ xung điện của anh T rất đơn giản, chỉ một bình ắc quy nhỏ bỏ gọn trong thùng bằng nhựa, được gắn với một bộ phận kích điện, dây dẫn điện nối xuống 2 thanh tre dài khoảng 2m, có gắn thanh sắt nhọn và vợt sắt. Chỉ cần bật công tắc, dòng điện chạy qua, tất cả tôm, cá, thậm chí lươn, trạch sống sâu trong đất cũng phải trồi lên mặt nước chết tươi.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, cơ quan chức năng của huyện Mỹ Tú, TX. Ngã Năm và TP. Sóc Trăng phát hiện 37 đối tượng sử dụng điện để khai thác nguồn lợi thủy sản. Các đối tượng nói trên bị cơ quan chức năng thu giữ bình, xung điện và tiến hành xử phạt hành chính với tổng số tiền trên 100 triệu đồng. Đồng thời, cơ quan chức năng của các địa phương duy trì công tác kiểm tra nên một số hành vi vi phạm pháp luật đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời; tăng cường xử lý vi phạm, đặc biệt đối với các nhóm hành vi sử dụng các công cụ khai thác mang tính hủy diệt như xung điện, từ đó góp phần quan trọng trong bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản. Song song đó, cơ quan chức năng các địa phương còn rà soát lập danh sách 703 đối tượng sử dụng nghề đánh bắt thủy sản trên địa bàn. Kết quả, tuyên truyền được 703 đối tượng; vận động người dân tự nguyện giao nộp được 106 công cụ kích điện, cho người dân cam kết không sử dụng, tàng trữ, mua bán xung điện, chất độc, ngư cụ bị cấm để đánh bắt thủy sản.

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngày 2-1-1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg về nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản, có nội dung “nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản ở tất cả các vùng nước”. Tiếp đó, Luật Thủy sản năm 2003 và hiện nay là Luật Thủy sản năm 2017 đều có quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng dòng điện, xung điện để khai thác thủy sản. Tại Khoản 7, Điều 7 của Luật Thủy sản năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 quy định cấm các hành vi “sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính chất hủy diệt, tận diệt khai thác nguồn lợi thủy sản”.

Như vậy, việc sử dụng kích điện hoặc dòng điện để khai thác thủy sản là hành vi trái pháp luật, đã bị pháp luật nghiêm cấm và sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Theo đó, căn cứ Điều 28 Nghị định số 42/219/NĐ-CP xử phạt trong lĩnh vực thủy sản, có quy định về sử dụng điện như sau: phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá; phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản; đồng thời sẽ bị tịch thu tang vật vi phạm. Căn cứ các quy định trên của pháp luật, tùy theo mức độ, tính chất vi phạm mà có mức xử phạt phù hợp.

Qua thời gian thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 33/2012/QĐ-UBND, ngày 29-6-2012 của UBND tỉnh, ngành nông nghiệp đã duy trì hoạt động kiểm tra, giám sát bảo vệ nguồn lợi thủy sản thường xuyên. Đẩy mạnh phối hợp, tổ chức, lồng ghép công tác này vào trách nhiệm của các ngành, các cấp và các lực lượng vũ trang nhân dân… tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các thủy vực nội đồng và vùng biển của tỉnh. Tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ dân có nghi vấn sử dụng xung điện và chất độc để khai thác thủy sản và cho làm cam kết không vi phạm. Phối hợp với thanh tra chuyên ngành thủy sản tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát trên sông để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm. Qua đó, công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã có nhiều chuyển biến tích cực, các nghề khai thác nằm trong danh mục cấm được rà soát, ngăn chặn có hiệu quả, nhiều giống loài có nguy cơ bị suy giảm đã có hiện tượng phục hồi và phát triển tốt trở lại, nhất là các loài thủy sản nước ngọt.

T.H

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/tang-cuong-xu-ly-su-dung-xung-dien-tan-diet-nguon-loi-thuy-san-50926.html