Tăng cường xử lý vi phạm để phòng-chống dịch bệnh
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo quốc gia phòng-chống dịch Covid-19, công tác phòng-chống dịch ở nước ta bước đầu đã đạt được một số kết quả rất khả quan. Theo đó, số ca nhiễm mới có xu hướng giảm, cá biệt có ngày không phát hiện ca nhiễm mới nào. Bên cạnh đó, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có ca tử vong do dịch Covid-19. Đặc biệt, theo kết quả khảo sát toàn cầu được Dalia Research công bố, Chính phủ Việt Nam đạt tín nhiệm cao nhất với sự ủng hộ rất lớn và thái độ hài lòng của người dân trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Cũng theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng-chống dịch Covid-19 thì cuộc chiến chống đại dịch đang gặp nhiều khó khăn, thách thức và còn rất nhiều gian nan ở phía trước. Tuy nhiên, tại cuộc họp sáng 8-4 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng-chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn thông tin: Hiện nay, số lượng người tham gia giao thông cao hơn thời điểm công bố Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, đây là dấu hiệu cần cảnh báo, tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, tránh việc lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Tại Gia Lai, theo quan sát của chúng tôi, ngoài việc gia tăng số lượng người tham gia giao thông so với ngày đầu thực hiện cách ly toàn xã hội (1-4) thì cũng đồng thời xuất hiện một số hiện tượng rất đáng quan ngại. Đó là không ít người tập trung đi bộ, tập thể dục, chơi thể thao tại công viên, quảng trường hay ngay trên đường giao thông. Dọc các tuyến phố, cửa hàng, chợ… người dân tụm năm, tụm ba chuyện trò, giao dịch như chẳng có chuyện gì xảy ra. Cùng với đó, không ít “cánh mày râu” tụ họp thành các nhóm tổ chức ăn nhậu tại nhà riêng, trên vỉa hè hoặc nhà rẫy. Tại TP. Pleiku, một vài xe taxi vẫn lén lút chở khách; một số tiệm cắt tóc, uốn tóc vẫn hoạt động; cá biệt có quán ăn, quán cà phê vẫn “linh động” phục vụ “Thượng đế” tại chỗ… Quan ngại hơn nữa là nhiều người dân vẫn không thực hiện đeo khẩu trang tại nơi công cộng, không thực hiện giãn cách trên 2 m khi tiếp xúc với nhau.
Đi tìm lời giải cho câu hỏi “Vì sao một số người dân có biểu hiện chủ quan như vậy?”, chúng tôi nhận được những câu trả lời đại loại như: Việt Nam đã đẩy lùi được dịch Covid-19. Ở Việt Nam đã có ai chết vì Covid-19 đâu mà sợ. Còn lâu Covid-19 mới đến được Gia Lai. Bác sĩ Việt Nam chữa khỏi bệnh Covid-19 thì lo gì!...
Có thể khẳng định rằng: Bên cạnh đại đa số người dân nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ thì vẫn có một bộ phận không chấp hành quy định hoặc lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân. Chính vì thế, ngày 6-4 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2673/VPCP-KGVX về việc xử lý vi phạm liên quan đến phòng-chống dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành và chính quyền các địa phương tập trung xử lý các hành vi vi phạm về khai báo y tế; trốn cách ly; không chấp hành biện pháp phòng-chống dịch; chống đối người thi hành công vụ phòng-chống dịch; đưa tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận; tái chế khẩu trang đã qua sử dụng; sản xuất hàng giả, đầu cơ găm hàng, tăng giá trái pháp luật, gian lận thương mại…
Ngày 7-4, Văn phòng UBND tỉnh có Công văn hỏa tốc số 767/UBND-NC về việc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, trong 2 ngày 7 và 8-4, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã triển khai kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính hàng chục trường hợp. Hầu hết các trường hợp bị phạt là do không đeo khẩu trang nơi công cộng. Theo kế hoạch, công tác kiểm tra và xử lý vi phạm sẽ được tăng cường trong thời gian tới.
Với sự chỉ đạo nhất quán từ Trung ương đến địa phương, hy vọng trong thời gian tới, những hành vi vi phạm liên quan đến phòng-chống dịch Covid-19 sẽ được xử lý triệt để. Bởi lẽ, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chúng ta không thể để những việc làm trái quy định xảy ra trong lúc cả nước đang căng mình chống dịch.