Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu
baothanhhoa.vn
Sản phẩm bánh gai, kẹo lạc của huyện Thọ Xuân được trưng bày tại hội nghị thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Đông Bắc Á.
Nhận thức được ưu thế cạnh tranh của sản phẩm khi được bảo hộ thương hiệu, thời gian qua, các doanh nghiệp, làng nghề, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh đã chú trọng thực hiện quy trình đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu hàng hóa của đơn vị mình. Tuy nhiên, để sản phẩm hàng hóa sau bảo hộ vươn xa hơn trên thị trường, các hoạt động xúc tiến, quảng bá cho sản phẩm cần được chú trọng đầu tư hơn nữa.
Số liệu từ Sở Khoa học và Công nghệ cho thấy, hiện toàn tỉnh đã có 236 sản phẩm hàng hóa được cấp văn bằng bảo hộ. Con số này được đánh giá là tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây. Trong số 236 sản phẩm này, có 4 sản phẩm được chứng nhận chỉ dẫn địa lý gắn với địa danh địa phương, gồm: Mắm tôm Hậu Lộc, cói Nga Sơn, bưởi Luận Văn và quế ngọc Thường Xuân; 23 sản phẩm được xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, như: nước mắm Do Xuyên - Ba Làng, nước mắm Khúc Phụ, tơ Hồng Đô, nón lá Trường Giang, bánh gai Tứ Trụ, kẹo nhãn Lang Chánh, chè lam Phủ Quảng, mắm tép Hà Yên, tương Làng Ái...; 209 sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản được chứng nhận nhãn hiệu.
Tuy nhiên, sau khi được cấp chứng nhận bảo hộ, phần lớn sản phẩm vẫn chỉ được tiêu thụ ở thị trường nội tỉnh. Việc chinh phục các thị trường tỉnh ngoài, hướng tới xuất khẩu còn hạn chế, cũng như giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường còn yếu. Theo đánh giá của chủ các thương hiệu đã được bảo hộ, ngoài những khó khăn do quy mô tài chính còn hạn chế, chưa có sự đầu tư xứng đáng để cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng sản phẩm, thì một trong những khâu yếu là bản thân các chủ thương hiệu chưa có kinh nghiệm triển khai các phương án quảng bá sản phẩm. Trong khi đó, các hoạt động quảng bá, xúc tiến do địa phương hoặc các sở, ngành quản lý còn ít nên cơ hội quảng bá sản phẩm tại các kênh này cũng còn hạn chế.
Điển hình như chè lam Phủ Quảng, sản phẩm tiến vua này đã được công nhận sở hữu nhãn hiệu tập thể từ năm 2017. Các hộ dân cũng đã đầu tư cải tiến máy móc vào các khâu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, các giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ vẫn chưa được các hộ gia đình cũng như chính quyền địa phương quan tâm đúng mức. Chị Đỗ Thị Thu, chủ cơ sở sản xuất Lâm Thu, thị trấn Vĩnh Lộc, chia sẻ: Để xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm, các hộ tham gia đã đầu tư cải tạo điều kiện hoạt động về sơ chế, chế biến và họp bàn, thống nhất về hình thức, phương pháp chế biến. Trong quá trình sản xuất, các hộ cũng thực hiện giám sát thường xuyên về quy trình, dụng cụ sử dụng và môi trường bảo quản của các hộ. Đồng thời, thay đổi mẫu mã, tem nhãn bao bì sản phẩm để khách hàng dễ nhận diện. Tuy nhiên, các đơn hàng đến với cơ sở chủ yếu qua các phương thức truyền miệng. Gia đình chị cũng như các hộ sản xuất ở đây chưa biết cách quảng bá sản phẩm ra thị trường qua các kênh truyền thông khác hoặc gắn kết với các hoạt động du lịch.
Theo đánh giá của các cơ quan liên quan, trong xu thế hội nhập kinh tế ngày nay, đòi hỏi của thị trường về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa và kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao. Việc đăng ký bảo hộ cũng như phát triển nhãn hiệu sau bảo hộ được coi là yếu tố sống còn đối với mỗi sản phẩm. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh các hoạt động quảng bá sản phẩm sau bảo hộ hiện mới thực hiện được với các doanh nghiệp có quy mô vừa. Với các doanh nghiệp nhỏ, các làng nghề, các hộ sản xuất, ngoài hạn chế về tài chính trong việc phát triển quảng bá sản phẩm thì còn nguyên nhân quan trọng do các đối tượng sản xuất này đi lên từ hộ gia đình nên nhận thức, năng lực quản trị, nguồn nhân lực còn yếu. Trong khi đó, các hoạt động hỗ trợ của Nhà nước thông qua các hội chợ, triển lãm cũng còn hạn chế về quy mô và phương thức tổ chức.
Do đó, để tạo lập được sự phát triển bền vững, tăng trưởng tốt sau khi được xác lập bảo hộ sản phẩm, sau những kết quả tích cực ban đầu, các làng nghề, hiệp hội, chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể, địa phương cần tổ chức khai thác triệt để giá trị kinh tế nhãn hiệu sau bảo hộ. Đồng thời, chú trọng mở rộng hơn nữa các kênh phân phối, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các sở, ngành liên quan của tỉnh cần quan tâm hướng dẫn các địa phương, đơn vị có sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, các giải pháp truyền thông mở rộng thị trường trong thời gian tới.