Tăng đầu tư để nuôi hy vọng dài lâu
Giải Bóng bàn các đội mạnh toàn quốc 2020 mang lại hy vọng cho bóng bàn nữ Việt Nam tại SEA Games 31 năm 2021 khi những tay vợt đang được kỳ vọng đều có thành tích ấn tượng. Giải đấu cũng là gợi ý về cách đầu tư để giúp đội tuyển bóng bàn nữ thoát khỏi cảnh 'thiếu trước hụt sau' về nhân sự.
Tay vợt Nguyễn Thị Nga có màn trở lại ấn tượng, củng cố hy vọng giành huy chương tại SEA Games 31 cho đội tuyển bóng bàn nữ Việt Nam.
Khi lực lượng không đồng đều
Cách đây vài tháng, tay vợt nữ số 1 Việt Nam là Mai Hoàng Mỹ Trang đã bộc bạch ý định chia tay đội tuyển quốc gia. Với các nhà quản lý bóng bàn Việt Nam, việc thuyết phục Mai Hoàng Mỹ Trang trở lại đội tuyển quốc gia gắn liền với thành tích của đội tuyển bóng bàn nữ Việt Nam tại SEA Games 31. Các tài năng cần được nuôi dưỡng, giữ gìn vì mục tiêu chung là đưa bóng bàn nữ Việt Nam trở lại.
Đề cập chuyện nói trên cũng bởi bóng bàn nữ Việt Nam từng đặt dấu ấn mạnh mẽ tại đấu trường SEA Games nhưng dấu ấn đó đã nhạt. Thực tế, mãi đến năm 2015, khi tay vợt Hà Nội Nguyễn Thị Nga tạo nên bất ngờ, cùng Mai Hoàng Mỹ Trang giành Huy chương đồng nội dung đơn nữ tại SEA Games 28 thì niềm tin và cơ hội mới quay trở lại với bóng bàn nữ Việt Nam. Lúc ấy, các chuyên gia đã tính rằng, với Mai Hoàng Mỹ Trang, Nguyễn Thị Nga và Nguyễn Thị Việt Linh, bóng bàn Việt Nam có lực lượng đủ mạnh để tiếp tục giành huy chương SEA Games.
Nhưng rồi hết Việt Linh phải nghỉ thi đấu vì vấn đề sức khỏe lại đến Nguyễn Thị Nga lập gia đình cách đây 2 năm. Thành tích của đội nữ tại các giải quốc tế bị đặt dấu hỏi, nhất là khi lứa vận động viên trẻ chưa đáp ứng yêu cầu cần có và những tay vợt đã ngoài 30 tuổi như Vũ Thị Hà (Quân đội) vẫn có thể lọt vào nhóm 4 tay vợt hàng đầu quốc gia. Khi đó, như thừa nhận của ông Phan Anh Tuấn (Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam), các tay vợt trẻ ít được thi đấu quốc tế khiến đội tuyển bóng bàn nữ Việt Nam luôn thiếu những tay vợt đủ sức tranh chấp huy chương với các tay vợt của Singapore, Thái Lan. Nên khi Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Việt Linh tạm nghỉ thi đấu, khó khăn tăng lên rất nhiều.
Nhen lên hy vọng
Tin mừng đã tới khi đầu năm nay, cả Nguyễn Thị Nga và Nguyễn Thị Việt Linh đều trở lại tập luyện sau khoảng thời gian nghỉ sinh con và chữa bệnh. Như nhận định của ông Bùi Xuân Hà, từng nhiều năm làm huấn luyện viên đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia, sự trở lại ấn tượng của Nguyễn Thị Nga và Nguyễn Thị Việt Linh mang đến sự hấp dẫn cho các giải đấu quốc nội cũng như tăng cường sức mạnh cho đội tuyển bóng bàn nữ quốc gia. Việc này có thể tác động đến quyết định có tiếp tục tham gia đội tuyển quốc gia hay không của Mai Hoàng Mỹ Trang.
Thực sự, các giải đấu quốc gia từ khi Nguyễn Thị Nga hay Nguyễn Thị Việt Linh trở lại thi đấu cũng tươi mới, giàu tính cạnh tranh hơn so với 1 - 2 mùa giải trước. Như ở Giải Bóng bàn vô địch toàn quốc Báo Nhân Dân 2020, Nguyễn Thị Nga đã suýt vượt qua Mai Hoàng Mỹ Trang trong trận chung kết. Đến Giải Bóng bàn các đội mạnh toàn quốc 2020, kết thúc hồi cuối tháng 10 tại Khánh Hòa, Nguyễn Thị Nga dễ dàng lên ngôi vô địch đơn nữ, nội dung mà tay vợt số 1 Việt Nam Mai Hoàng Mỹ Trang không tham gia. Nguyễn Thị Nga còn cùng Phạm Dạ Thảo giành ngôi vô địch đôi nữ. Trong khi đó, Nguyễn Thị Việt Linh tạo dấu ấn khi giúp đội Bộ Công an vô địch đồng đội nữ khi vượt qua đội Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Chứng kiến các tay vợt này thi đấu, nguyên huấn luyện viên đội Hà Nội Lê Kim Hạnh nhận định: “Sự trở lại của Nguyễn Thị Nga và Nguyễn Thị Việt Linh thực sự thuyết phục. Điều đó có lợi cho bóng bàn nữ Việt Nam tại SEA Games 31 - năm 2021”.
Dù vậy, một đội tuyển bóng bàn phụ thuộc vào vài tay vợt không phải là điều hay. Chúng ta cần có thêm vận động viên có thể đáp ứng nhiệm vụ ở đội tuyển quốc gia thay vì trông chờ vào tay vợt đã 32 tuổi như Mai Hoàng Mỹ Trang, hay bà mẹ 26 tuổi Nguyễn Thị Nga... Theo ông Phan Anh Tuấn (phụ trách bộ môn bóng bàn của Tổng cục Thể dục thể thao, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam): “Đến lúc này, chúng ta cần dồn nguồn kinh phí đầu tư cho các tay vợt có khả năng giành huy chương SEA Games 31, tạo điều kiện để họ thi đấu cọ xát càng nhiều càng tốt nhằm giúp đội tuyển đạt mục tiêu giành Huy chương bạc thay vì Huy chương đồng như ở những kỳ SEA Games gần đây. Nhưng về lâu dài, cần tạo nguồn lực từ Tổng cục Thể dục thể thao, đơn vị chủ quản của vận động viên và các doanh nghiệp để đầu tư cho nhóm vận động viên trẻ. Làm như thế thì mới có thể mở rộng diện tuyển chọn nhân sự cho đội tuyển quốc gia, giúp bóng bàn nữ Việt Nam lấy lại vị thế trước đây tại SEA Games là trong nhóm 1 thay vì nhóm 2 như hiện nay”.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-thao/983475/tang-dau-tu-de-nuoi-hy-vong-dai-lau