Tăng 'đề kháng' cho thanh, thiếu niên trước tệ nạn xã hội
Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự báo năm 2024, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới đối với tình hình an ninh trật tự. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có xu hướng phức tạp, đặc biệt trong đó có nhóm tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên…
Theo Bộ Công an, năm 2023, cả nước đã có cả chục ngàn đối tượng vi phạm pháp luật trong độ tuổi thanh, thiếu niên, trong đó có nhiều người dưới 18 tuổi. Đa phần các hành vi vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên là: cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, thậm chí có cả giết người, cướp tài sản…
Thực tế qua các vụ việc xảy ra trên địa bàn Đồng Nai cho thấy, có một số trường hợp đối tượng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật do nghe theo bạn bè rủ rê, nhận thức pháp luật hạn chế, nhưng cũng có những trường hợp có sự bàn tính kế hoạch phạm tội. Đây là một thực trạng cần quan tâm và có giải pháp cụ thể, căn cơ để ngăn ngừa thanh, thiếu niên phạm tội.
Tại Đồng Nai, các ngành chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ để ngăn ngừa thanh, thiếu niên phạm tội. Ngành Công an, ngoài đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm tội phạm đường phố; ngăn ngừa thanh, thiếu niên tụ tập đua xe trái phép, còn tổ chức tuyên truyền pháp luật cho các đối tượng thanh, thiếu niên có nguy cơ phạm pháp và yêu cầu các đối tượng này ký cam kết không vi phạm pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội.
Ngoài ra, Đồng Nai cũng đã triển khai nhiều mô hình tốt, cách làm hay trong phòng ngừa tội phạm trong thanh, thiếu niên, nhất là trong học sinh, sinh viên. Cụ thể như mô hình: Tuyên truyền công tác phòng ngừa trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật gắn với ứng dụng tiện ích VNeID (do ngành Công an và ngành Giáo dục triển khai); Sân chơi pháp luật (Nhà thiếu nhi Đồng Nai, Hội Luật gia tỉnh, Ban Thanh niên Công an tỉnh, Tỉnh đoàn, Thành đoàn Biên Hòa tổ chức); tuyên truyền pháp luật trong các trường học (Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức)...
Việc triển khai, duy trì, nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay nói trên góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của thanh, thiếu niên; tăng sức “đề kháng” cho họ trước sự rủ rê của bạn xấu hay những “cám dỗ” của tệ nạn xã hội.
Điều quan trọng để ngăn ngừa thanh, thiếu niên phạm tội vẫn là sự quan tâm giáo dục của gia đình. Chính tấm gương, sự quan tâm dạy dỗ của cha mẹ sẽ giúp thanh, thiếu niên sớm hình thành nhân cách tốt đẹp, luôn tuân thủ pháp luật, biết tránh xa những tệ nạn xã hội, không thực hiện các hành vi phạm pháp.
Song song đó, việc đẩy mạnh kiểm soát, xử lý nghiêm các hoạt động tiêu cực, thông tin xấu độc trên không gian mạng của các ngành chức năng trong thời gian tới cũng góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa các hành vi có tính bạo lực, kích động bạo lực, ngăn không làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển, hình thành nhân cách của thanh, thiếu niên.