Tăng 'đề kháng' trước tin đồn thất thiệt

Đã có nhiều trường hợp bị xử phạt do tung tin đồn thất thiệt mục đích gây chú ý, 'câu like' (thích), thiếu hiểu biết… được phản ánh để răn đe, cảnh báo. Thế nhưng, giữa nỗ lực của ngành chức năng, truyền thông thì những điều thất thiệt vẫn được lan truyền làm bất ổn xã hội, tâm lý hoang mang.

Lan truyền cách chữa Covid-19, thêm thắt các nội dung từ thông báo, công văn địa phương

Tin đồn vô căn cứ gây hiện tượng trứng gà bị “sốt ảo”

Những ngày qua, do chưa hiểu rõ về Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều người đã suy diễn theo mức độ nghiêm trọng. Lo sợ “ngăn sông cấm chợ”, người dân đi mua thực phẩm dự trữ, rồi đến cả xăng, dầu, bàn nhau phương án di chuyển khi phà, đò không còn hoạt động.

Ngày 1-4, có nhiều thông tin cho rằng bến đò Chợ Vàm (Phú Tân, An Giang) đi qua địa phận Hồng Ngự (Đồng Tháp) ngưng hoạt động vì phía bờ Hồng Ngự không cho người dân từ Phú Tân đi vào địa bàn.

Nhiều người tỏ ra lo lắng vì nơi này là đoạn sông lớn, ngoài nhu cầu di chuyển của các phương tiện vận tải, giao thương hàng hóa, một số gia đình còn có người thân thường qua lại hàng ngày.

Tuy nhiên, thông tin trên là sai sự thật, chính quyên địa phương khuyến cáo người dân cần cẩn trọng khi tiếp nhận các nguồn tin, tránh làm hoang mang dư luận trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid -19.

Nhiều địa phương đã có hiện tượng người dân đổ xô đi mua xăng, dầu nhằm dự trữ, bởi tin đồn dẫn đến lo sợ các cây xăng sẽ đóng cửa, sau khi hết dịch bệnh sẽ tăng giá gấp nhiều lần.

Chưa kiểm chứng rõ ràng, nhiều tài khoản mạng xã hội còn tích cực chia sẻ thông tin “cấm toàn bộ cửa hàng ăn uống, bán qua mạng, bán mang về cũng bị bắt”, gây hiểu lầm trong dư luận. Thực chất, đây chỉ là công văn áp dụng riêng tại TP. Đà Nẵng, biến tấu nội dung lập lờ làm nhiều người hiểu lầm.

Chị V.T.T (ngụ huyện Thoại Sơn) chia sẻ: “Hễ nhắc tới huyện của tôi, nghe có ai về cách ly là người ta đồn là có người nhiễm bệnh, cứ vậy lan truyền từ nhà này sang nhà khác, không biết ai là khởi nguồn của tin đồn, có người bình tĩnh vì họ biết đúng - sai, nhưng cũng có người lo lắng thái quá”.

Khi dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp, lại xuất hiện tin truyền miệng theo kiểu “nghe đâu đó” bày cách phòng hoặc chữa bệnh Covid-19, như: uống thật nhiều nước, khi virus vào cơ thể chưa kịp tấn công sẽ bị cuốn trôi ra ngoài (?); đeo khẩu trang tẩm muối nhiều lần để tiêu diệt Covid-19 là cách đã được Trung Quốc áp dụng thành công; uống trứng gà sống có thể phòng nhiễm Covid-19, còn căn cứ lý lẽ thế nào thì không rõ…

Rất nhiều bài báo đã nhanh chóng nắm bắt những thông tin kiểu lan truyền, dẫn lời chuyên gia để đính chính xác thực, hiểu đúng, thế nhưng mức độ tiếp nhận dường như chưa bằng tốc độ chia sẻ tin thất thiệt bởi tâm lý sợ dịch và muốn bằng mọi cách tạo sự an toàn ảo trong bộ phận người dân.

Tại huyện Phú Tân, chưa ghi nhận trường hợp nào cụ thể, nhưng lời đồn râm ran về cách uống trứng gà phòng bệnh đã làm mặt hàng trứng gà bị “sốt ảo”. Ngành chức năng, chính quyền địa phương đã nhanh chóng vào cuộc xử lý, kết quả không có chuyện trứng gà bán bất thường như lan truyền.

Công an huyện Phú Tân cho biết, đến nay chưa ghi nhận vụ việc nào hoặc bị xử phạt liên quan tin đồn như trên ở địa bàn. Phóng viên đã ghi nhận từ các tiểu thương trong Trung tâm thương mại huyện Phú Tân, chợ truyền thống, vựa buôn bán trứng các loại. Hầu hết người bán cho biết không có khách hàng tăng đột biến đến mua trứng trong những ngày qua, giá trứng gà không thay đổi, thậm chí có nơi đang “ế”.

Bà Nguyễn Thị Nga (tiểu thương bán trứng trong Trung tâm thương mại huyện Phú Tân) cho biết, có thể người dân nghe tin từ mạng ở các tỉnh, thành phố khác, thực tế hàng ngày chỉ có khách hàng đến mua đủ theo nhu cầu gia đình, giá cả không hề tăng. Những tin đồn nghe có vẻ “vô hại” nhưng ở góc độ sức khỏe, tâm lý số đông lại có thể gây tác hại khó lường.

Làm thế nào để người dân “miễn dịch” trước những tin đồn thất thiệt? Thiết nghĩ, bên cạnh việc tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh, cập nhật và tuân thủ yêu cầu, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, địa phương, thì người dân cần cập nhật thêm những thông tin từ kênh chính thống để hiểu rõ hơn về các thông báo, chỉ đạo.

Hiện nay, những biện pháp phòng bệnh cơ bản về dịch bệnh Covid-19 được thực hiện theo trực quan bằng cách treo băng-rôn, áp-phích, loa nội bộ, tờ rơi, bảng tuyên truyền. Bên cạnh đó, cũng rất cần thông tin rộng về những hành vi, cá nhân sai phạm, bị xử lý để người dân nắm bắt, mang tính răn đe, nêu cao tính cảnh giác trong cộng đồng.

Người dân không nên chia sẻ thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở, chọn lọc thông tin tiếp nhận và phải là người có trách nhiệm khi phát hiện thông tin thất thiệt, cần báo ngay với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Bên cạnh những việc cần làm và phải làm để cùng cả nước chống dịch, mỗi cá nhân phải tự trang bị cho mình sức mạnh tinh thần đủ để “miễn nhiễm” với tin đồn sai sự thật.

Việc nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân cũng quan trọng không kém so với việc nâng cao sức đề kháng của cơ thể để ngăn chặn dịch bệnh hiện nay.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tang-de-khang-truoc-tin-don-that-thiet-a268988.html