Tăng đối thoại, ngăn đối đầu

Tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp ở Ðông Ðịa Trung Hải có nguy cơ làm rạn nứt quan hệ giữa các thành viên NATO. Ðây cũng là vấn đề trọng tâm chương trình nghị sự của hội nghị không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng các nước Liên hiệp châu Âu (EU) diễn ra tại Béc-lin (Ðức), trong bối cảnh cả Mỹ và Ðức đang thúc đẩy nỗ lực ngoại giao nhằm làm dịu căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU.

Tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp ở Ðông Ðịa Trung Hải có nguy cơ làm rạn nứt quan hệ giữa các thành viên NATO. Ðây cũng là vấn đề trọng tâm chương trình nghị sự của hội nghị không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng các nước Liên hiệp châu Âu (EU) diễn ra tại Béc-lin (Ðức), trong bối cảnh cả Mỹ và Ðức đang thúc đẩy nỗ lực ngoại giao nhằm làm dịu căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU.

Những ngày qua, tranh cãi gia tăng liên quan hoạt động thăm dò khí đốt thiên nhiên của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực ngoài khơi các đảo của Hy Lạp thuộc Ðông Ðịa Trung Hải. Trong khi Hy Lạp coi hoạt động thăm dò này là bất hợp pháp thì An-ca-ra cho rằng, vùng biển mà Thổ Nhĩ Kỳ đang khoan thăm dò khí đốt thuộc thềm lục địa nước này. Căng thẳng giữa hai nước thành viên NATO bị đẩy lên nấc thang mới, khi Thổ Nhĩ Kỳ điều các tàu hải quân hộ tống tàu nghiên cứu địa chất Oruc Reis tới vùng biển tranh chấp. Phía Hy Lạp cũng triển khai nhiều tàu chiến để giám sát động thái của các tàu Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi hộ tống tàu Oruc Reis, một tàu khu trục của Thổ Nhĩ Kỳ đã va chạm với tàu khu trục của Hy Lạp. Trong động thái nhằm răn đe lẫn nhau, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều tham gia các cuộc tập trận riêng rẽ ở Ðông Ðịa Trung Hải. Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tập trận chung với hải quân Mỹ, trong khi Hy Lạp tập trận chung với Pháp, I-ta-li-a và Cộng hòa Síp ở vùng biển này.

Những động thái nêu trên gây chia rẽ giữa các thành viên NATO, cũng như làm xấu quan hệ giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ. EU lên án hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời yêu cầu An-ca-ra chấm dứt ngay lập tức hoạt động thăm dò tại Ðông Ðịa Trung Hải. Cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa An-ca-ra và A-ten có nguy cơ gây khó khăn cho nỗ lực của EU về khai thác các nguồn năng lượng mới giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ một vài nước. Trong bối cảnh đó, Ðức, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, đi đầu trong nỗ lực hòa giải tranh cãi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Bộ trưởng Ngoại giao Ðức H.Ma-át đã thăm Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ để gặp những người đồng cấp hai nước nhằm thúc đẩy đối thoại. Người đứng đầu ngành ngoại giao Ðức nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều là thành viên NATO và các giải pháp cho tranh chấp liên quan những mỏ khí đốt ở Ðông Ðịa Trung Hải chỉ có thể được đưa ra dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và đối thoại. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ ở thời điểm bước ngoặt và tranh chấp hiện nay đang thử thách hơn nữa mối quan hệ vốn không suôn sẻ bởi những bất đồng trong cuộc thương lượng về việc An-ca-ra gia nhập EU.

Các động thái đáp trả lẫn nhau giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp ở Ðông Ðịa Trung Hải được ví như "đùa với lửa". Hy Lạp cảnh báo về những hành động phá hoại sự ổn định trong khu vực, đồng thời cho rằng khó có thể có đối thoại khi A-ten luôn bị đe dọa. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cảnh báo về sự khiêu khích của A-ten. Sau cuộc gặp những người đồng cấp các nước EU, Bộ trưởng Quốc phòng Ðức đã chỉ trích các cuộc tập trận hải quân ở phía Ðông Ðịa Trung Hải và cảnh báo rằng, động thái này không giúp làm dịu căng thẳng hiện nay. Tổng thống Mỹ Ð.Trăm cũng điện đàm với Thủ tướng Hy Lạp và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, kêu gọi hai thành viên NATO đối thoại giải quyết tranh chấp ở Ðông Ðịa Trung Hải.

Những diễn biến căng thẳng đang đẩy Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất khu vực kể từ năm 1996, thời điểm hai nước từng cận kề nguy cơ một cuộc chiến tranh trên biển Ê-giê. Một số nước châu Âu hối thúc EU phản ứng mạnh mẽ hơn và thực thi các biện pháp quyết liệt hơn đối với hành động của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực. Các nước coi đây là thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định ở khu vực Ðông Ðịa Trung Hải.

Bất kỳ một động thái nào dẫn tới hoạt động quân sự hóa cũng có thể thổi bùng "đốm lửa nhỏ" thành đám cháy lớn và cuốn các nước trong khu vực vào cuộc tranh giành khốc liệt hơn. Ưu tiên của NATO hiện nay là thúc đẩy đối thoại, giảm đối đầu để tránh những tác động tiêu cực hơn nữa đối với mối quan hệ không "xuôi chèo mát mái" giữa các thành viên trong khối.

Hà Anh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/tang-doi-thoai-ngan-doi-dau-614661/