Tăng giá điện sinh khối – Bước tiến mới trong phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Điều 14 về Giá điện đối với dự án điện sinh khối trong Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành có những điều chỉnh đáng chú ý.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg ngày 05/3/2020, về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 trước đó về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam.
Trong đó, Điều 14 về Giá điện đối với dự án điện sinh khối có những điều chỉnh đáng chú ý. Cụ thể giá điện cho các dự án sinh khối đồng phát nhiệt – điện là 1.634 đồng/kWh, tương đương 7,03 UScents/kWh; giá điện cho các loại dự án sinh khối khác là 1.968 đồng/kWh, tương đương 8,47 UScents/kWh. Giá mua điện nói trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Đây là nền tảng quan trọng để Chính phủ Việt Nam thu hút hơn nữa đầu tư vào lĩnh vực điện sinh khối, nhằm tiến tới đạt được mục tiêu của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (Quyết định số 482/QĐ-TTg) đặt ra: phát triển điện sinh khối các giai đoạn đến năm 2020, 2025 và 2030 tương ứng là 660 MW, 1.200 MW và 3.000 MW. Năm 2019, chỉ có 175 MW công suất lắp đặt của điện sinh khối được nối vào lưới điện.
Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ là một tổ chức quốc tế có nhiều dự án về năng lượng nói chung và năng lượng sinh khối nói riêng với Việt Nam. Hiện GIZ đang hợp tác với Bộ Công Thương thực hiện 02 Dự án: Hỗ trợ Kỹ thuật Ngành năng lượng EU - Việt Nam (EVEF); Bảo vệ Khí hậu thông qua Phát triển Thị trường Năng lượng Sinh học Bền vững ở Việt Nam (BEM) nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển bền vững các nguồn tài nguyên sinh khối để sản xuất nhiệt và điện.
Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật Ngành năng lượng EU - Việt Nam (EVEF) là Dự án Hợp tác Kỹ thuật giữa Chính phủ Việt Nam, Liên minh Châu Âu (EU), Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ). EU và Chính phủ Đức đồng tài trợ và ủy quyền Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) thực hiện dự án. Dự án hướng tới góp phần tăng cường sự quản lý nhà nước trong ngành năng lượng nhằm thúc đẩy một bước tiến sang lộ trình phát triển năng lượng bền vững hơn ở Việt Nam. Dự án này cũng sẽ góp phần xây dựng khung pháp lý cần thiết để Việt Nam đạt được các cam kết của mình đối với việc giảm phát thải khí nhà kính có liên quan đến các hoạt động năng lượng trong bối cảnh các Đóng góp do Quốc gia Tự quyết định của Việt Nam.
Ông Sven Ernedal, Giám đốc Dự án Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng (4E)/EVEF, thuộc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng (ESP) đánh giá: “Việt Nam có tiềm năng lớn về sinh khối, có thể khai thác để sản xuất năng lượng, đặc biệt là sản xuất điện. Việc Chính phủ Việt Nam đưa ra các Quyết định tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển điện sinh khối sẽ giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra việc làm xanh, cải thiện an ninh và chất lượng nguồn cung điện, tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành mía đường thông qua việc tăng doanh thu cho các công ty sản xuất đường, tăng hiệu quả, và giảm phế thải. Năng lượng sinh khối đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện cam kết Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), chiến lược tăng trưởng xanh và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam. Nguồn năng lượng tái tạo này sẽ giúp Việt Nam đáp ứng được nhu cầu năng lượng ngày càng tăng khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng.”
Dự án Bảo vệ Khí hậu thông qua Phát triển Thị trường Năng lượng Sinh học Bền vững ở Việt Nam (BEM) được tài trợ bởi Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân CHLB Đức (BMU). Trọng tâm dự án là nâng cao năng lực lập quy hoạch, năng lực kỹ thuật chuyên môn và tài chính cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sinh khối nhằm thực hiện các dự án đầu tư đạt hiệu quả.