Tăng giá điện và mối lo ảnh hưởng giá tiêu dùng

Ngày 4/5, Bộ Công Thương công bố giá bán lẻ điện bình quân sẽ được điều chỉnh tăng thêm 3% so với mức giá hiện hành. Mặc dù, mức tăng không đáng kể, nhưng việc điều chỉnh giá điện đang khiến người dân và doanh nghiệp lo lắng, bởi rất có thể chí phí doanh nghiệp, giá cả hàng hóa… sẽ rục rịch tăng theo.

Nỗi lo điện tăng, giá tăng

Theo Quyết định số 377/QĐ-EVN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, giá bán lẻ điện bình quân mới từ ngày 4/5 chính thức là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), giá điện bán lẻ bình quân trước đó là 1.864 đồng/kWh.

Đây là lần điều chỉnh đầu tiên sau 4 năm, kể từ lần tăng 8,36% vào tháng 3/2019. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện hiện hành và được đánh giá là nhằm đảm bảo ảnh hưởng tối thiểu đến nền kinh tế và đời sống người dân, trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang ở trong quá trình phục hồi sau những tổn thương mà dịch bệnh Covid-19 gây nên.

Theo đó, với mức giá điện mới, số tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kwh/tháng là 2.750 đồng/hộ, 100 kwh/tháng là 5.610 đồng/hộ, 200 kwh/tháng là 12.210 đồng/hộ, 300 kwh/tháng là 20.570 đồng/hộ, 400 kwh/tháng là 29.920 đồng/hộ (mức giá này đã bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng).

Giá bán lẻ điện bình quân mới được điều chỉnh tăng thêm 3% lên mức hơn 1.920 đồng/kWh từ ngày 4/5/2023.

Giá bán lẻ điện bình quân mới được điều chỉnh tăng thêm 3% lên mức hơn 1.920 đồng/kWh từ ngày 4/5/2023.

Mặc dù mức tăng không đáng kể, tuy nhiên những ngày qua, thông tin giá điện tăng đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Trong đó, nhiều người tiêu dùng bày tỏ sự lo lắng vì có thể giá hàng hóa thiết yếu sẽ tăng theo, qua đó đẩy chi tiêu của người dân tăng lên. Thực tế cho thấy, thời gian qua, khi giá xăng, dầu tăng, giá cả các mặt hàng tiêu dùng cũng rục rịch tăng theo. Và như xăng, dầu, điện cũng là một trong những mặt hàng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Chị Thanh Nhã (ở Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, việc điều chỉnh tăng giá điện thực sự là nỗi lo lắng với không ít gia đình. “Tôi e ngại, sau khi giá điện được điều chỉnh tăng thì giá các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng theo. Với thị trường kinh doanh như hiện nay, không dễ để các cơ quan chức năng kiểm soát được việc các tiểu thương tại chợ dân sinh, chợ đầu mối tự ý nâng giá các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm. Khi đó, thiệt hại cuối cùng sẽ đổ vào người tiêu dùng”, chị Nhã bày tỏ.

Cùng quan điểm với chị Nhã, anh Trần Ngọc Tiến (ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Từ sau khi giá xăng liên tục tăng vào giữa năm 2022, giá hàng loạt các mặt hàng thiết yếu, dịch vụ vận tải đã bị đẩy lên. Nhưng khi giá xăng giảm thì giá các mặt hàng vẫn đứng yên tại chỗ. Khi thắc mắc các tiểu thương cho rằng, giá thực phẩm tăng là do nhiên liệu đắt đỏ. Vì thế, khi điều chỉnh giá điện tăng thêm, tôi nghĩ giá các mặt hàng thiết yếu sẽ bị ảnh hưởng”, anh Tiến lo lắng.

Doanh nghiệp “than” giá đầu vào

Không chỉ người tiêu dùng lo lắng khi giá điện tăng mà đối với các doanh nghiệp, mặc dù thông tin về việc Nhà nước điều chỉnh giá bán điện đã được dự báo trước, nhưng trong bối cảnh suy thoái kinh tế như hiện nay, giá điện tăng sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí của doanh nghiệp cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

Chia sẻ về tác động của việc tăng giá điện lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ông Phạm Duy Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Long Bảo Thịnh Phát, cho biết, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong mọi lĩnh vực, ngành nghề hiện nay đều phụ thuộc vào điện. Vì thế, việc điều chỉnh giá điện tăng thêm sẽ khiến chi phí doanh nghiệp tăng thêm. Trong khi đó, thời điểm tăng giá điện cũng là quãng thời gian bắt đầu bước vào mùa nắng nóng, do đó, lượng điện tiêu thụ sẽ tăng lên, gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp.

Không chỉ có doanh nghiệp Long Bảo Thịnh Phát, nhiều doanh nghiệp khi đề cập đến việc điều chỉnh giá bán điện tăng thêm 3% đều cho biết, họ đang phải “thắt lưng, buộc bụng” để đảm bảo chi phí sản xuất - kinh doanh, cũng như đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động, khiến doanh nghiệp gặp khó.

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Sơn, chủ một cơ sở may mặc ở xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội, cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá điện sẽ làm tăng thêm chi phí của các hộ dân sử dụng điện sinh hoạt và cơ sở sản xuất. Trong khi đó, các đơn hàng trong ngành may mặc thường được ký kết từ năm trước, hoặc ngay từ đầu năm, nên rất khó để điều chỉnh mức giá cũng như chi phí phát sinh. Điều này khiến sự khó khăn của doanh nghiệp may mặc càng thêm chồng chất.

Trước những khó khăn mà người dân và doanh nghiệp đề cập, tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí ngày 4/5 vừa qua, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, mức tăng giá điện thêm 3% sẽ không tác động lớn đến người tiêu dùng và doanh nghiệp. Bởi, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giá điện bán lẻ tăng bình quân 5%, thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng 0,17%. Còn thực tế giá điện chỉ tăng 3%, thấp hơn nhiều so với mức nghiên cứu nên tác động đến CPI rất nhỏ.

Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, không chỉ có xăng, dầu mà nước và điện cũng là những mặt hàng ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Vì thế, việc tăng giá điện lần này chắc chắn sẽ tác động không chỉ với sản xuất mà cả tiêu dùng, tác động một cách trực tiếp và gián tiếp. Với các doanh nghiệp sản xuất phải sử dụng lượng điện tiêu thụ nhiều như luyện kim, hóa chất, may mặc… thì tác động của việc điều chỉnh giá điện có thể thấy ngay lập tức. Trong khi đó, với người tiêu dùng, khi giá điện được điều chỉnh tăng, mối lo lớn nhất là mặt bằng giá cả hàng hóa tăng lên.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tang-gia-dien-va-moi-lo-anh-huong-gia-tieu-dung-155606.html